Đời thay đổi khi chúng ta thay đổi | Tập 2 - Chương 6
Thử thách của bạn là thành thực với
chính mình
NHỮNG CÁI ÔM
Những cái ôm thân thiết có lợi cho
sức khỏe! Chúng ta cần được âu yếm thường xuyên. Nhưng đôi khi chúng ta sợ
người khác phản đối, vì thế chúng ta chỉ âu yếm trẻ con và chó. Ít nhất là
chúng ta tin rằng nó sẽ không nói với ta: “Bỏ tay ra khỏi tôi, người đâu mà kỳ
cục”.
Nhà tâm lý học Harold Falk nói: “Cái
ôm có thể giải tỏa sự chán nản, làm cho hệ thống miễn dịch hoạt động. Những cái
ôm thở hơi thở mới vào cơ thể rã rời của bạn, làm cho bạn cảm thấy trẻ và tràn
đầy sức sống hơn”.
Tiến sĩ Bresler ở trung tâm y tế
U.C.L.A còn kê toa – “Hãy ôm người bạn thương yêu vào buổi sáng, buổi trưa buổi
tối và trước khi đi ngủ rồi bạn sẽ thấy khỏe hơn”.
Trong quyển sách “Niềm vui của sự âu
yếm”, Helen Colton giải thích rằng Hemoglobin trong máu bạn sẽ tăng lên khi bạn
được âu yếm. Đó chính là công cụ mang những dưỡng chất chính của ôxy cho não,
cho tim và đi khắp cơ thể. Việc âu yếm, đụng chạm nhau ngày càng được xem là
quan trọng và cần thiết.
Dĩ nhiên, người khác có thể nói:
“Tôi không phải loại thích thể hiện tình cảm”. Nhưng anh ta có thể học để trở
thành người chịu biểu hiện tình cảm. Bạn không cần phải ôm tất cả mọi người,
nhưng ít nhất cũng nên bày tỏ với người bạn yêu thương nhất.
PHÁN XÉT NGƯỜI KHÁC
Khi người ta nói về một tình bạn lý
tưởng thì người ta luôn nói đến khái niệm “chấp nhận” và “không phán xét”,
chẳng hạn: “anh ta không bao giờ phán xét tôi…” Họ nói: “Tôi trở nên gần gũi
hơn với người khác khi họ không phán xét và phê bình tôi”. Và dĩ nhiên, khi chê
bai và phê bình người khác, chúng ta tạo ra khoảng cách với họ.
Fred có thể nói: “Nhưng tôi thông
minh, tôi là dân trí thức. Tôi có đủ tư cách để phán xét người khác”. Có thể
như thế nhưng cũng cần phải biết giới hạn. Sách của Lão Tử nói là bạn không cần
phải phê bình người khác, chỉ cần ngưỡng mộ họ vì sự khác biệt độc đáo của họ –
giống như bạn thưởng thức một đóa hoa hồng hay một bài hát. Bạn không cần phải
phân tích, phê bình hay chia tách đóa hồng ra mà vẫn có thể thưởng thức nó cơ
mà.
Không phê phán và sự bình an tâm hồn
Khi chúng ta thôi không phê phán
người khác tức là chúng ta có được sự bình an tâm hồn bền vững hơn. Chúng ta
thường nghe người khác phê bình lối sống của bạn bè họ như sau:
“Cô ta quá mập, nên thật khó coi khi
mặc loại áo đó!”
“Anh ta thật ngốc khi cưới ả đó”.
“Frank không nên thu mình nữa, mà
nên đi tìm việc làm!”.
Khi chúng ta phán xet người nào đó
về việc sử dụng thời gian, tiêu phí tiền bạc hay sống như thế nào đó là chúng
ta đã hủy hoại sự bình an tâm hồn của mình- chúng ta cho phép mình bị những
điều như thế làm phiền bới vì chúng “nên thế này hay thế kia”. Bạn sẽ hạnh phúc
hơn khi chấp nhận người khác đúng như bản chất của họ. Khi chúng ta bắt tay vào
thay đổi người khác thì ta sẽ bị căng thẳng và họ cũng ghét chúng ta vì điều
đó.
Luôn luôn có
người lười nhác, người nghiện việc, người keo kiệt xa xỉ, người khoác lác,
nghiện ngập, lưỡng tính, kẻ giàu, người nghèo, kẻ mập, người ốm và nhiều loại
người hơn nữa trên hành tinh này, dù bạn có nghĩ về điều này bao lâu đi nữa.
Nếu bạn linh hoạt và cứ để cho họ đúng là họ thì bạn sẽ không phải có những lúc
căng thẳng không cần thiết. Sự bình an tâm hồn sẽ đến từ sự thay đổi thái độ, không phải từ
hoàn cảnh. Và hãy tự hỏi: “Chúng ta là ai mà
cứ luôn mồm phê phán việc làm của người khác”.
Tương tự, vì chúng ta học được nhiều
từ sai lầm của mình nên chúng ta phải để cho người khác phạm những sai lầm của
họ và học được kinh nghiệm từ đó, còn chúng ta nên tập trung cải thiện chính
chúng ta!
Có ý kiến
Nguồn; Internet |
Không phải lúc nào cũng nên có ý kiến.
Đôi khi không có ý kiến lại thích hợp hơn. Khi hàng xóm của bạn nói: “Anh không
nghĩ Frank nên kiếm việc mà làm sao?”, bạn có thể nói: “Tôi nghĩ Frank sẽ làm
điều anh ta thấy thích hợp”. Nếu bà ta nói: “Vợ của Frank mập vậy trông không
kinh khủng sao?”, bạn chỉ cần tự nhủ: “Có thể cô ta học được điều gì đó khi
phát phì như vậy”.
Dĩ nhiên đôi khi cần phải có ý kiến
hay nhận định về người khác – chẳng hạn “Thư ký của tôi làm việc có được
không?” “Kế toán của tôi có hoàn thành công việc không?” Nhưng có những trường
hợp không có ích gì khi nhận xét này nọ.