Đời thay đổi khi chúng ta thay đổi | Tập 2 - Chương 1

9:56:00 AM
Là một “nửa kia” của ai đó chẳng có gì là tốt – bạn hãy là một chỉnh thể thống nhất.

AI CŨNG CÓ LÚC CĂNG THẲNG!
Ai cũng có lúc sợ cái gì đó.
Bạn có lúc nào sợ ai đó không? Nói cho đúng thì nhiều người dù có vẻ bình tĩnh, thoải mái, tự tin hay dạn dĩ lại đang sợ chết cứng.
Trong một bữa tiệc, bạn thấy một phụ nữ đứng một mình, thỉnh thoảng nhấp môi ly rượu. bạn nghĩ bụng: “Cô ta trông thật tự tin và thư giãn”. Nhưng nếu bạn đọc được suy nghĩ của cô ta, bạn có thể kinh ngạc… “Mọi người có thắc mắc tại sao ta đứng một mình không nhỉ? Nếu ta đẹp thì đã có một chàng người yêu. Ngực ta quá nhỏ… Ta ước gì được xinh đẹp như chị ta. Ta muốn vào phòng vệ sinh nhưng sợ mọi người sẽ nhìn ta…Nếu anh chàng đó mà đến bắt chuyện thì ta sẽ chết mất..!”
Chúng ta nhìn một doanh nhân giàu sụ và nói: “Ông ta thật tài giỏi!” Còn ông ta thì lo lắng về cái bụng và cái mũi đỏ của ông, ông lo là mình không nói chuyện được với đám con ông, đau khổ vì ông đang mất tiền và sẽ rụng hết tóc.
Đời thật là một trò đùa phải không bạn? Chúng ta nhìn người khác và đoán là họ thật hoàn thiện. Họ nhìn chúng ta và đoán là ta hết sức tài năng. Chúng ta sống trong nỗi e dè người khác trong khi họ cũng luôn ngại ngần khi đánh giá chúng ta.
Trong vài năm, tôi thực hiện những buổi hội thảo mà để bắt đầu, mọi người phải tự giới thiệu mình với nhau. Những lúc như vậy, tôi thấy những bác sỹ, giáo viên, người mẫu, doanh nhân, phụ huynh và thiếu niên…nhiều người thật khổ sở với việc phải nói chuyện trước đám đông đầy người, dù chỉ trong 30 giây. Và cái lý do cho nỗi sợ của họ là: “những người khác có thể cho là mình không giỏi“.
Phải nhớ là ai trong chúng ta cũng có lúc từng nghĩ “Mình không đủ giỏi!”. Không có ai lúc nào cũng tự tin.
Ngoài sự lo lắng, vì sợ nhau nên chúng ta hiểu lầm nhau. Giả sử bạn có một người hàng xóm không bao giờ nói chuyện với bạn nên bạn cũng chẳng thèm nói chuyện với anh ta. Bạn kết luận là anh ta không thân thiện. Khi gặp nhau giữa đường thì anh ta ngẩng lên trời ngắm mây còn bạn cúi xuống đếm sỏi trên vỉa hè.
Rồi thình lình một thời gian sau, bạn được giới thiệu với anh ta và hai người lập tức trở thành bạn.
Bạn e ngại không chào họ vì cho là họ không thích bạn. Còn họ không chào bạn vì nghĩ rằng bạn sẽ không chào lại.
Rất ít người có được sự tự tin mà họ thể hiện ra bên ngoài. Có thể khi soi gương đánh răng bạn không có vẻ gì là đáng ngại. Nhưng có khi bạn làm cho người ta cảm thấy sợ. bạn làm cho nhiều người căng thẳng. Vì thế nếu bạn mất ngủ một đêm vì sợ ai đó thì hãy bảo mình đừng sợ nữa. Và bất cứ khi nào bạn có ý định tẩy chay ai đó vì họ cứng đầu hay rối trí thì hãy nghĩ lại đi: có thể là người đó đang khiếp sợ.
ĐÚC KẾT: Ai cũng có những nỗi bất an riêng. Hãy tìm biết để cả hai đều không phải sống trong căng thẳng!
THÓI QUEN.
Bạn có bao giờ để ý rằng, một người có thói quen xấu khó ưa nào đó thường lại không biết mình có thói xấu đó. Những người hàm hồ không biết rằng họ làm người khác mất hứng. Những người thích ăn tỏi không biết mình hôi như tỏi.
Tôi có một người bạn nói chuyện luôn mồm. Miệng cô ta hoạt động như súng liên thanh. Cô ta rất thông minh nhưng lại không biết mình làm phiền người khác như thế nào. Nhiều người đã nói cho cô biết tật xấu này nhưng dường như cô không tiếp thu ý kiến đó. Cô ta bị khuyết tật về mặt giao tiếp xã hội và không biết mình bị như thế.
Chúng ta cần nhận biết chúng ta ảnh hưởng đến nhau như thế nào và nên tìm mọi cách cải thiện điều đó. Lời biện hộ như: “Tính tôi vậy đó” phải trả giá đắt trong cuộc sống. Nếu nhiều người nói cho chúng ta biết rằng chúng ta nói quá nhiều, lúc nào cũng đến trễ hay thuyết giáo nhiều quá, ca cẩm nhiều quá… thì chúng ta nên thấy thông tin này có lợi. Đó là dấu hiệu cho thấy chúng ta có vấn đề.
Một cách cải thiện khả năng nhận biết của chính bạn là nói chuyện với một người mà bạn thật sự tin tưởng. Hãy tìm những người bạn biết là sẽ không cố tình chê trách bạn và hỏi họ: “Bạn/anh thấy tôi thế nào?”. Hãy cho họ biết bạn quan tâm đến việc cải thiện bản thân và muốn họ nói chuyện trung thực với bạn.
Có thể dùng những câu hỏi sau:
– Tôi có nói nhiều quá không?
– Tôi có phàn nàn nhiều quá không?
– Tôi có uống rượu nhiều quá không?
– Miệng tôi có hôi không?
– Tôi nói chuyện có dễ xúc phạm không?
– Tôi có nói nhiều quá về bản thân, sức khỏe, thói quen hay tình hình tài chính của tôi không?
– Tôi có cư xử lịch thiệp ở bàn ăn không?
– Tôi có há miệng khi nhai không?
– Tôi có tẻ ngắt không?
– Những áo quần nào bạn nghĩ tôi không nên mặc nữa?
Và rồi, dù bạn của bạn có nói gì với bạn, đừng vội xem đó là kim chỉ nam nhưng nên để tâm đến ý kiến của họ. Hãy tự hỏi mình: “Nếu mình phải sống chung hay làm việc với chính mình thì sẽ như thế nào?”
Lý tưởng mà nói, những người khác có thể sẽ rộng lượng với những yếu kém của bạn, nhưng bạn không thể cứ duy trì nó mãi. Có khi chính bạn dễ dãi với mình nhưng người khác thì không cho phép. Nhiều viên chức cao cấp sẽ không được thăng tiến nếu họ ăn mặc lôi thôi. Nhiều cuộc hôn nhân tan vỡ vì bà vợ cứ nói liên hồi mà ông chồng thì chẳng nghe gì cả.
ĐÚC KẾT: Những cá nhân xuất sắc có khả năng tự nhận biết và điều chỉnh làm cho người ta yêu thích họ. Để ảnh hưởng một cách tích cực đến người khác, chúng ta cần phát triển khả năng này.
HỌC CÁCH YÊU MẾN BẢN THÂN.
Bạn phải yêu thương bản thân trước rồi mới có thể yêu thương được người khác.
Khi chúng ta không thích bản thân thì chúng ta có xu hướng ghét người giỏi hơn chúng ta
Hãy lấy vợ chồng Jane và Frank làm ví dụ. Frank là nhà điều hành cấp cao còn Jane ở nhà giữ con. Jane bực bội với Frank. Cô luôn phê bình người cô thề sẽ yêu thương và kính trọng cả trong hoạn nạn và khi hạnh phúc. Lý do là Jane không thích bản thân cô, nên cô nghĩ Frank chẳng hay ho gì, và cả những người khác nữa.
Khi những người khác lập thành tích, Jane cảm thấy yếu kém, vì thế cô cứ cau có với người khác. Thật ra Frank không có lỗi gì, mà chỉ tại ý thức của Jane. Quan hệ của họ sẽ không được cải thiện chừng nào Jane còn chưa học được cách yêu thích bản thân cô hơn.
Nếu chúng ta chỉ nhìn thấy lỗi của mình, chúng ta có xu hướng cho rằng người khác cũng chỉ nhìn thấy lỗi của chúng ta
Nếu Fred tin là mình luôn thất bại, anh ta sẽ lo là bạn gái của anh, Mary, sẽ nghĩ rằng anh luôn thất bại. Anh sẽ rất nhạy cảm với việc không thành công bằng người hàng xóm. Anh ta cho là mình quá mập hay mũi quá to. Vì Fred không thích mình nên anh cảm thấy mình yếu kém, hạng hai. Anh ta sợ Mary sẽ tìm ai đó tốt hơn. Anh ta dễ bị tổn thương, dễ cảm thấy bị xúc phạm và vì thế ngày nào anh cũng cằn nhằn Mary. Fred tội nghiệp không quên được vấn đề của mình và không còn quan tâm thực sự đến Mary nữa. Kết quả là Mary cảm thấy mình không được anh ta yêu vì Fred nghĩ mình không giỏi giang gì. Khi chúng ta đánh giá thấp về bản thân thì người thân và bạn bè chúng ta phải chịu khổ lây.
So sánh chính bản thân chúng ta là một cái bẫy
Luôn luôn có người giàu hơn, tài năng hơn, thanh lịch hơn, khôn ngoan hơn hay nổi tiếng hơn bạn. Cha mẹ, thầy giáo hay người yêu bạn có lúc bảo bạn: “Sao anh không giống anh trai của anh hơn hả?” Câu trả lời là : “Bởi vì tôi không phải là anh ta. Nếu tôi là anh trai của tôi thì tôi sẽ giống y như anh ta!”.
Chúng ta cũng như Jane và Fred cần thôi so sánh chính mình với bạn bè, đồng nghiệp hay những người nào đang đi trên đường.
Thay vào đó, hãy đặt ra cho mình những mục tiêu có ý nghĩa. Chúng ta hãy đánh giá sự trưởng thành của mình bằng tiến bộ của riêng chúng ta năm ngoái hơn là tiến bộ của người hàng xóm. Chúng ta hạnh phúc và có cảm giác xứng đáng với sự phát triển của chính chúng ta.
Trong trường hợp của Jane, cô có nhiều chọn lựa để cải thiện cảm xúc của mình với bản thân, và cố gắng để trở thành một bạn đời tốt của chồng mình. Thay vì phê bình Frank, cô có thể đặt ra những mục tiêu có ý nghĩa và có thể hoàn thành trong khi vẫn đảm đương công việc ở nhà như: học tiếp, đi làm hay giảm cân, chăm lo cho những thú vui riêng. Cô sẽ nhanh chóng hiểu ra rằng người ta không thể thoát khỏi cái hố bằng cách kéo người khác xuống hố với mình. Bạn phải leo ra khỏi hố.
Tương tự, Fred cần nỗ lực nhiều hơn. Phải chuyển đổi từ so sánh bản thân sang cải thiện bản thân, xây dựng những thành công nhỏ của riêng anh, giúp đỡ Mary khi có thể, tập trung vào những điểm tốt của anh trong khi chấp nhận cái xấu của anh, chẳng hạn như chiếc mũi to.
Khi đã thôi không so sánh bản thân nữa, chúng ta giải phóng bản thân để khen tặng và khuyến khích người khác. Chúng ta sẽ thôi không chấm điểm kiểu “Cô ta có cái áo khoác đẹp, có thêm bằng cấp hay có anh bạn đẹp trai, như thế là cô ta hơn mình!”. Chúng ta đừng để mắc vào định kiến:”nếu anh hay hơn tức là tôi dở hơn“.
Yêu thương bản thân không phải là khoác lác với cả thế giới. Đây là vấn đề chấp nhận bản thân – cả cái tốt đẹp và thiếu sót của bạn. Để duy trì những quan hệ tốt đẹp, bạn phải chọn làm người bạn tốt nhất của chính mình trước.
Fred nói: “tôi vẫn không tin là tôi nên thích bản thân tôi”. Ừm, có một lý do đơn giản khác khuyên Fred nên yêu thích bản thân: nếu anh ta không thích chính anh ta thì đừng mong ai đó sẽ thích anh ta!
– Khi người khác thân thiện với Fred thì anh cho là:
a – Họ muốn cái gì đó từ anh hoặc
b – Chắc họ bị làm sao đó mới thích anh đi chơi cùng với họ.
– Nếu cứ tiếp tục phê bình bản thân thì tất cả bạn của Fred sẽ cho là Fred có vấn đề và không ai chơi với anh ta nữa.
– Fred có thể lo là không ai thích anh nữa nếu họ biết anh rõ – vì thế anh đã vô tình làm hỏng quan hệ trước khi người khác có cơ hội từ chối anh.
Những nhà phân tích tâm lý Bernard Berkowitz và Mildred Newman đã viết: “Những người không yêu thích bản thân có thể tôn thờ người khác bởi vì tôn thờ là làm cho ai đó vĩ đại hơn còn bản thân chúng ta thì nhỏ nhoi đi. Họ có thể ngưỡng vọng người khác vì nó lấp đi yêu cầu về cảm giác không hoàn thiện bên trong của họ. Nhưng họ không thể yêu thương người khác vì tình yêu thương là một sự khẳng định khả năng tồn tại và chịu đựng của mỗi chúng ta. Nếu bạn không có thì không thể dâng tặng cho ai được”.
Chọn chịu đựng.
Nếu hình ảnh về bản thân quá tồi, chúng ta có thể tự làm cho cuộc đời mình đau khổ để tự trừng phạt chính chúng ta. Chịu đựng cũng giống như những hành vi khác thường có cái giá của nó.
– Nếu bạn đang chịu đựng thì bạn cảm thấy an toàn với cảm giác này. Bạn hiểu cảm giác này và việc thay đổi làm cho bạn sợ. Nó cũng giống như căn bệnh mà có lúc có người thú nhận: “Tôi mà lành thì tôi sẽ không biện hộ nữa. Bệnh cũng có cái tiện của nó.”
– Chúng ta cũng có thể đưa ra lý do rằng thất bại cũng có thể làm cho chúng ta được yêu thương hơn. “Có lẽ nếu mình chịu đựng hơn một chút thì ba mẹ hay chồng mình sẽ cảm thấy tội nghiệp và yêu thương mình hơn”. Thật không may, những quan hệ lành mạnh không xây dựng trên lòng thương hại.
– Có thể chúng ta cứ chịu đựng và đợi Chúa trời để tâm thương xót. Hy vọng một ngày nào đó Ngài sẽ hết kiên nhẫn và nói: “Đủ rồi! Ta không thể nhìn con khổ sở nữa”. Rồi Ngài xử lý hết mọi việc cho chúng ta.
Nếu chúng ta muốn cải thiện hình ảnh về bản thân thì ta không thể chấp nhận chịu đựng nữa.
Làm cách nào để tôi thích chính tôi?
Bạn nói: “Ừm, tôi đồng ý rằng cần thiết phải yêu thương hay ít nhất là thích bản thân mình, nhưng làm sao tôi làm được? Làm sao tôi làm được nếu tôi bị cha mẹ bạc đãi hay thầy giáo chê bai, và vì tôi ghét cặp mắt to và mấy cái răng vàng khè của tôi?”
Bạn nên chấp nhận bản thân và thậm chí yêu thương bản thân mình với tất cả những ưu khuyết của nó. Có thể công việc này cần thời gian nhưng phần thưởng sẽ rất lớn. Hạnh phúc của bạn tùy thuộc vào việc bạn cảm thấy thế nào về bản thân mình.
Hãy tự hỏi mình: “Tôi muốn nâng bản thân mình lên hay muốn ruồng rẫy nó?” Trước hết, cần tìm hiểu cách bạn xây dựng hình ảnh của mình.
BẠN NGHĨ MÌNH LÀ AI?
Những tín hiệu phản hồi đầu tiên bạn nhận được là từ gia đình, và đa số là tiêu cực. “Đừng có gây thêm phiền toái… mày lúc nào cũng làm vỡ cái này, cái kia hoặc không bao giờ làm điều tao bảo… Mày làm tao phát điên… đừng có ngu ngốc như thế…” một số phụ huynh tìm cách cân bằng giữa lời khen và chê đối với con trẻ, nhưng nhiều người lại chỉ có một chiều… chê. Làm sao bạn có thể làm một đứa trẻ 3 tuổi cảm thấy được yêu thương hay có ý nghĩa đặc biệt với bạn khi nó cứ quệt màu lên tường nhà? Hay khi nó vừa làm rơi ví bạn xuống sông?
Khi còn là một đứa con nhỏ đang trưởng thành trong gia đình, bạn không thể không cảm thấy dường như mình không biết gì mà tất cả những người khác thì cái gì cũng biết. Họ phải biết cột dây giày như thế nào, đi vệ sinh ra sao. Chỉ có bạn là cứ bị chỉ bảo hoài. Những anh chị của bạn cũng không giúp gì hơn: họ bảo là bạn ngu ngốc, rằng họ đã 6 tuổi còn bạn chỉ mới 3 tuổi, bạn phải tin lời họ. Họ nhiều kinh nghiệm biết nhiều về cuộc đời. Họ đã 6 tuổi!
Khi bắt đầu đi học thì bạn còn gặp nhiều rắc rối hơn. Ai cũng muốn dạy bạn cái này cái nọ. Thầy cô giáo không ngó ngàng gì đến bạn khi bạn làm được việc tốt, nhưng lại nhảy sổ vào khi bạn mắc lỗi. Dần dần, bạn có cảm giác mình không bình thường, không ổn. Sau 8 đến 10 năm học, bạn đến thời kỳ vị thành niên với những vấn đề hóc búa hơn. Cái gì cũng xảy ra hoặc quá nhanh hoặc quá chậm, cái gì quá khổ hay sai kích thước cần thiết, cái thì không phát triển. Cuộc sống đối với tuổi này sao mà rắc rối quá.
Bạn xem tivi thường ngày và thường thấy nhiều người đẹp và tài hoa làm những việc vĩ đại. Phụ nữ thì nước da đẹp, mắt to và răng trắng. Đàn ông thì cao to và bắp tay căng phồng. Khi bạn so sánh bản thân với người khác, bạn lại cảm thấy thất bại về hình ảnh bên ngoài của mình.
Rồi bạn đọc những quảng cáo đòi hỏi những điều bạn không thể có được. “Những người thành công dùng nước hoa Paris, mặc hàng thời trang của Christian Dior, lái xa Jaguars…” Thông điệp ở những quảng cáo đó là: “Nếu bạn không có những thứ này, bạn không phải là người thức thời”. Trong khi đó, gia đình bạn cứ tiếp tục phê bình bạn vì theo lời họ đó là cách “họ yêu thương bạn”. Vào những buổi sáng chủ nhật, bạn đến nhà thờ để nghe nói rằng bạn là kẻ có tội.
Bạn có thấy tất cả những điều này có ý nghĩa gì không? Lúc họ – cha mẹ, chú bác, cô dì, cậu dượng, anh chị,v.v… – thôi không thèm động đến bạn nữa thì bạn không còn biết đánh giá mình như thế nào nữa. Bạn không được xem là “lý tưởng”. Và có một điều khó tránh nữa: nhiều người xung quanh bạn cũng không có lòng tự trọng cao, họ kéo bạn xuống, bạn cảm thấy tồi tệ và đến lượt bạn lại kéo họ xuống. Họ buồn khổ hơn và lại kéo bạn xuống dốc theo. Vậy là tất cả đều thấy mình bạc nhược, yếu kém hơn. (Một nghiên cứu cho thấy là vào tuổi 14, 98% trẻ con không có hình ảnh tích cực về bản thân. Chúng ghét thân thể mình và cảm thấy bất an, không thoải mái).
Vậy là chúng ta đã biết tại sao hình ảnh về bản thân chúng ta không tốt.
Bây giờ khi bạn đã biết những ý nghĩ điên rồ của mình là từ đâu đến, bạn có thể quẳng chúng đi.
ĐỪNG TRÁCH MÓC NGƯỜI KHÁC
Cha mẹ bạn làm theo cách tốt nhất mà họ biết. Họ yêu bạn theo cách tốt nhất mà họ biết. Chỉ cần hiểu rằng tất cả những gì bạn nghe được về hình ảnh của bạn đã bị bóp méo qua lăng kính chủ quan của một số người. Bạn nhẫn được những nhận định đó từ những người thiếu tự tin. Công việc của bạn là bắt đầu đánh giá cao cái con người thật của bạn.
Nếu bạn nói: “Tôi cảm thấy không đủ giỏi hay có lỗi vì những lý do sau:
a).Tôi đã làm những diều ngu ngốc.
b). Tôi đã làm mọi người thất vọng
c). Tôi thường thất bại
d). Tôi ăn nhiều quá
e). Đôi lúc tôi suy nghĩ bậy bạ”…
Xin chúc mừng bạn đã rất thành khẩn! Nếu bạn hoàn thiện thì bạn là một vị thánh mất rồi. Chính vì
còn là con người nên bạn có quyền phạm lỗi, và cảm thấy bất an như tất cả mọi người.
Một số người có suy nghĩ tốt về bản thân chứ?
Vâng, nhưng họ đạt điều đó nhờ họ cố gắng để đạt được, mỗi ngày một ít. Ngay cả những người
chúng ta ngưỡng mộ nhất cũng có lúc cảm thấy không hài lòng về mình. Ngôi sao bóng đá thì xem tài năng của mình là tự nhiên và ước ao có được đầu óc như anh trai cậu ta. Chính cậu anh thông thái thì tuy hãnh diện về uy tín của mình trong trường y khoa lại luôn mong muốn phụ nữ cho rằng anh ta cũng lanh lẹ như cậu em chơi bóng đá của mình. Cả hai đều ước mình giàu như bà chị họ charlie, còn Charlie thì ước…
Đó là cái rắc rối của thế giới chúng ta đang sống. Cỏ ở vườn nhà bên lúc nào cũng xanh hơn.
Thế còn những người nói khoác và cho rằng họ vĩ đại nhất?
Hiển nhiên bạn có thể gặp những người luôn cho rằng mình là trung tâm vũ trụ – nhưng phụ nữ thật sự tin rằng họ được như Marilyn Monroe, Jackie Onassis, những người đàn ông cho là mình “vĩ đại nhất, giàu nhất, hấp dẫn nhất và thông minh nhất”…
Tính kiêu căng làm cho người khác khó chịu. Những người luôn bộc lộ sự tự tin giả tạo “Tôi thật tuyệt vời!” là người luôn nhìn vào gương khi đang dự tiệc, họ thật ra đang cố thuyết phục chính họ. Họ cảm thấy dễ đổ vỡ đến nỗi không thể thú nhận bất kỳ yếu kém nào trước mọi người. Họ lo lắng là nếu họ ngừng quảng cáo thành tích của bản thân thì thế giới sẽ nhìn thấy cái “thật” của họ.
Chúng ta chỉ quan tâm đến việc làm sao để yêu thương bản thân mà không trở thành những kẻkhoác lác. Hơn nữa, đó chính là sự tự tin không cần lên tiếng, sự tự hào đi đôi với sự bình thản bên trong và óc hài hước thú vị.
Tự trọng là một vấn đề tế nhị. Quá nhiều hay quá ít cũng làm cho bạn bị cô lập một mình.
Làm thế nào nữa để tôi cảm thấy dễ chịu về bản thân?
Hãy ghi chú những điều tốt đẹp mà bạn đã làm được. Có hàng trăm điều bạn làm được trong một ngày có ích cho cuộc sống xung quanh bạn. Mỗi lần bạn mỉm cười, lắng nghe, pha thức uống cho ai đó hay đón con từ trường về, gởi bưu thiếp đi, cho bạn bè mượn một quyển sách… là bạn đã tỏ ra dễ thương. Dù ai đó có chặn bạn lại giữa đường và hỏi: “Anh đã làm gì trong ngày hôm nay để giúp cho hành tinh này?”, bạn có thể không kiếm ra lời để nói. Nhưng những điều tốt đẹp nho nhỏ rất dễ quên ấy quả thực là luồng gió mát góp phần làm dịu không khí của hành tinh này.
Niềm hy vọng có cho mỗi chúng ta…
Nếu bạn nghiêm túc muốn trở nên mạnh mẽ hơn, dũng cảm hơn hay hiểu biết hơn, kiên quyết hơn thì hãy bắt đầu ngay từ bây giờ. Và khi bạn lớn lên và thay đổi, hình ảnh của bạn sẽ thay đổi.
ĐÚC KẾT: Thế giới giống như một tấm gương. Hầu hết những vấn đề chúng ta gặp phải với người khác phản ánh những vấn đề của chính chúng ta. Chúng ta không cần phải đi ra ngoài và cố công thay đổi tất cả mọi người. Khi chúng ta nhẹ nhàng thay đổi vài ý tưởng của chúng ta, các quan hệ của chúng ta sẽ tự động cải thiện.
ĐỢI AI ĐÓ
“Tôi phải đợi ai đó đến và làm cho tôi hạnh phúc”.
Mary chán nản và cô đơn. Cô cảm thấy cuộc sống của mình chẳng ra gì. Cô tự nhủ:”“Nếu tôi có thể tìm được ai đó ai đó giống tôi thì tôi sẽ hạnh phúc”. SAI!
Khi đời bạn không ra gì, thì những người hạnh phúc và ổn định có xu hướng tránh né bạn. Họ tìm những người về cơ bản vui vẻ và cân bằng giống như họ để giao du. Khi Mary đau khổ và chán nản, cô gặp toàn những người buồn rầu và khổ sở. Vậy là nỗi buồn phiền cua cô nhân lên gấp bội.
Tương tự như vậy khi bạn chờ ai đó yêu thương mình. Chúng ta phải dấn thân trước. Và nếu bạn cứ nói: “Yêu thương tôi đi rồi tôi sẽ không làm khổ bản thân tôi nữa”, cái này sẽ làm cho mối quan hệ căng thẳng.
Những người khác có thể giúp bạn bằng cách làm cho bạn hạnh phúc hơn, nhưng bạn cần phải kiểm soát đời mình trước. Khi đợi người khác “đến” và giải quyết mọi chuyện, đa phần thì chúng ta sẽ bị thất vọng.
– Nếu họ không đến thì chúng ta sẽ bị thất vọng hơn.
– Nếu họ cứ đến nhưng không cư xử như chúng ta muốn thì chúng ta thật sự thất vọng! Rồi chúng ta đổ lỗi cho họ và nói: “Đáng lẽ anh phải làm cho tôi hạnh phúc”.
Những người thích quan hệ ổn định và phong phú là những người caan bằng. Họ không tim ai khác “để lấp chỗ trống”.
Họ hiểu rằng họ có giá trị riêng của họ. Trong các bài hát và bộ phim, người ta thường nói: “Tôi không là ai cả, cho đến khi tôi gặp anh”, nhưng trong đời thật, đó là tình huống chẳng hay ho gì. Trước hết bạn phải là ai đó trước. Chẳng có gì hay khi phải làm “một nửa của ai đó” – bạn là một chỉnh thể thống nhất và độc đáo kia mà!
Vậy tôi nên làm gì?
Hãy học từ Mary. Cô đơn chán nản và cảm thấy bị bỏ rơi. Cô ta không hiểu tại sao người ta lại không tính đến cô trong kế hoạch của họ. Cô quá coi trọng vấn đề phải đợi ai đó khác đến cho cô hành động, thay đổi hẹn hò, hay nhập hội với bọn họ. Mọi người không ai thích dỗ dành người khác. Họ muốn chơi với những người nhiệt tình.
Bạn phải nói với họ là bạn sẵn sàng tham gia. Bước đầu tiên để kết bạn làphair mong muốn ra ngoài và gặp gỡ mọi người. Nếu cứ ngồi trước tivi và tủ lạnh thì bạn sẽ chẳng gặp được bao nhiêu người lý thú.
Mary có thể trở thành người khởi xướng, nhảy bổ đến điện thoại, gọi cho tất cả mọi người… “Xin chào, Karen! Có thể bạn không nhớ tôi nhưng tôi sống ở thành phố bên. Bạn có thích đi ăn mỳ ống Ý với tôi không?” “Chào Ted, tôi nghĩ mình nên tập đi xe đạp vào cuối tuần và học chung với nhau, bạn nghĩ sao?” Thế giới đầy những người đã chinh phục được tính nhút nhát (hay sợ sệt), và mở ra những chân trời mớí. Nếu bạn định thay đổi và kiếm thêm bạn thì hãy sẵn sàng để mời và được người khác mời. Hãy tiếp tục nỗ lực và bạn sẽ được tưởng thưởng xứng đáng.
Muốn tránh thất vọng thì hãy phát triển tình bạn mà không mong đợi sẽ nhận được cái gì. Hãy làm cái gì đó cho người khác mà không đòi hỏi họ phải đáp trả lại. Nhiều người báo đáp bằng tình cảm và sự ưu ái nhưng một số thì không. Nếu bạn quan tâm đến người khác vì bạn thích thế, chứ không phải bạn mong được đáp trả lại thì bạn sẽ không thấy bực bội khi họ không đáp trả lại một suy nghĩ hay ơn huệ của bạn. Vũ trụ rất công bằng và chính trực. Nếu bạn cho đi tình cảm và sự quan tâm, những điều tốt đẹp sẽ đến với bạn, dù không từ người bạn mong.
ĐÚC KẾT
– Mỗi chúng ta phải tự nhận ra giá trị của bản thân. Nếu cứ chờ người khác làm điều này chobạn thì bạn sẽ liên tục thất vọng
– Bạn có thể bổ sung cho ai đó, cho một mối quan hệ chỉ khi bạn đã là người hoàn hảo. Nếu không thì bạn chỉ làm xấu đi quan hệ đó.
– Nếu bạn cô đơn và chán nản thì việc cố tìm được ai đó thích/ yêu bạn cũng không giúp ích gì. Hãy tìm người bạn có thể cho đi tính bạn mà không mong đáp lại gì cả.
– Nếu bạn muốn gặp hay làm quen với bạn mới thì hãy chủ động tiến bước.
QUÁ NGHIÊM TÚC VỚI BẢN THÂN.
John để râu quai nón trong nhiều năm và quyết định cạo đi. Nhưng anh ngại thay đổi nên lo lắng: “Tất cả bạn bè và đồng nghiệp mình sẽ nói gì? Họ có cười vào mặt mình không?”
Sau nhiều tháng do dự, cuối cùng anh lấy hết can đảm cạo râu đi. Lo ngại nhưng anh vẫn đi đến chỗ làm. Thật ngạc nhiên, không ai nói gì về khuôn mặt mới của anh. Thật ra cho đến trưa thì anh không nghe ai nói gì. Cuối cùng, không chịu được, anh hỏi người khác: “Anh nghĩ khuôn mặt mới của tôi thế nào?”
Họ chưng hửng “Khuôn mặt nào?” “Anh không thấy gì khác trên mặt tôi sao?” Họ im lặng để nhìn anh từ đầu đến chân. Cuối cùng họ thốt ra vui vẻ: “Anh cạo râu rồi sao?” Rõ ràng đôi khi chúng ta quá nghiêm túc với bản thân, quá nhạy cảm, và cho rằng người khác luôn nhìn chúng ta nhưng thậm chí không ai có thời gian để nghĩ đến bạn.
Quá nghiêm túc với bản thân đôi khi có nghĩa là bạn cố hết sức để tạo ấn tượng đối với người khác. Nina dành 2 tiếng đồng hồ để làm đẹp mỗi khi ra khỏi nhà. Cô cứ thử hết áo này đến áo khác, hết vòng đeo tay lớn đến nhỏ, hết giày cao đến thấp. Sau khi xong, cô quay sang chồng và hỏi: “Trông em như thế nào?”
“Tuyệt”.
“Anh chắc không?”
“Hết ý”
“Tóc không đơ quá chứ?”
“Không, rất tuyệt”
“Màu son không tối quá chứ?”
“Đẹp lắm”
“Anh có chắc là em nhìn được không?”
“Trông em rất dễ thương”.
Ra đến cửa xe Nina chạy vào phòng ngủ lại, cô thay bông tai. Nhưng suốt bữa tiệc hôm đó, cô cứ luôn miệng lầm bầm (có khi lại thì thầm với ông chồng) – “Đáng lẽ em nên đeo đôi bông tai bằng cẩm thạch”. Chồng cô nói: “chẳng sao đâu mà”. Cô giận…
Đôi khi sự quá quan tâm đến bề ngoài trở thành nỗi ám ảnh. Nina là một ví dụ của những người ít lòng tự trọng. Cô không quan tâm đến việc làm bạn cũng như gây ấn tượng tốt. Thế giới của cô chỉ quay quanh giày dép, áo quần và trang sưc. Khi người khác không gần gũi cô nữa thì cô cho là họ lạnh lùng hay ganh tỵ. Thật ra họ thấy cô chán ngắt và đau khổ.
Vậy là những cái tưởng vô cùng quan trọng với chúng ta lại chẳng có ý nghĩa gì với nhân loại. Brian bị sưng mũi và nhốt mình trong nhà một tuần. Ai quan tâm nào?
ĐÚC KẾT
– Hãy nhớ đến nhứng người mà bạn muốn dành thời gian ở bên họ.

– Họ là những người có thể tự cười mình một chút. Họ có nhiều bạn, nhiều niềm vui và ít bệnh tật. Khi chúng ta quá nhạy cảm, những người khác sẽ cảm thấy bối rối và chúng ta sẽ làm cho chính mình bị cách ly.

Share this

Có thể bạn quan tâm

Bài Sau
« Prev Post
Bài trước
Next Post »