Đời thay đổi khi chúng ta thay đổi | Tập 2 - Chương 5

8:54:00 PM

Đời thay đổi khi chúng ta thay đổi | Tập 2 - Chương 5 

Nhiều khi người khác ngưỡng mộ bạn vì những điều bạn không nói

NHỮNG ĐIỀU KHÔNG NÊN NÓI
Khiếu ăn nói của tôi là ở chỗ tôi không nói gì cả
Robert Benchley
Angela được chồng tặng một chiếc nhẫn kim cương. Cô rất xúc động. Đó là một khoảnh khắc lãng mạn. Cô nhìn sâu vào mắt anh và nói: “Anh yêu, nó đẹp lắm. Em rất thích! Em sẽ luôn giữ gìn nó như báu vật!” Trả lời cô anh ta nói: “Em nên giữ! Anh mất cả gia tài để mua đó!”
Ở trường hợp này nếu không nói gì thì có phải hay hơn không? Bạn có thể học được một trong những bài học quan trọng của cuộc sống khi bạn giữ im lặng. Nếu nhận xét của bạn không giải quyết được việc gì hay làm cho ai đó cảm thấy dễ chịu hơn thì hãy im lặng.

Có những điều người khác không muốn nghe!
Người khác không muốn nghe bạn than thở về chồng bạn, về chứng đau lưng hay nghẹt mũi hay chuyện nợ nần tiền bạc. Lần tới nếu bạn chuẩn bị phàn nàn về cái gì thì hãy tự hỏi. “Tại sao mình lại nói cho người ta nghe chuyện này?” Bạn cảm thấy thế nào nếu James Bond cứ phàn nàn về vũ khí của mình? Nếu siêu nhân mà khổ sở vì thời tiết thì có mất giá không? Chúng ta cũng vậy.
Chúng ta ngưỡng mộ những người có thể mỉm cười khi mọi việc khó khăn, có thể đối mặt với sự thất vọng mà không giận dữ. Không cần biết bạn có bao nhiêu bằng cấp, ăn mặc thời trang hay không, sống trong biệt thự hay nhà thường… Nếu bạn là người hay rên rỉ thì bạn chẳng có gì lôi cuốn. Nếu bạn muốn gây ấn tương, chẳng hạn với ông chủ hay bạn trai thì hãy đợi đến lúc có biến cố gì đó lớn để bạn xử lý mà không có một lời phàn nàn nào cả. Bạn sẽ được họ chú ý! Vì ít người làm được điều đó. Họ sẽ có ấn tượng với sức mạnh của bạn và muốn cộng tác với bạn. Về việc rền rỉ và than vãn thì những điều sau đây là cái không ai muốn nghe:
a) “Tôi đau đầu”.
b) “Chồng tôi ngáy suốt đêm”.
c) “Tôi hết tiền rồi”.
d) “Cuộc sống không công bằng. Ai cũng không tốt với tôi”.
e) “Chân tôi lại bị sưng”.
f) “Ngày sinh nhật của bạn làm tôi tốn tiền quá”.
g) “Tôi đang bực muốn chết đây”.
h) “Tôi ghét chính tôi. Tôi xấu, tôi tẻ nhạt”.
i) “Tôi bị cảm, coi chừng anh cũng bị”.
j) “Ngày thứ sau tới là tận thế”.
Người khác ghét nghe những câu bắt đầu bằng “Bạn nên…”. Bạn cũng không thích người khác khuyên mình khi mình không hỏi xin lời khuyên, hay khi khuyên quá trễ…
Bạn mới mua bộ đồ mới và khoe với ông anh: “Xem này đẹp quá hả anh. Chỉ có 200. 000 đồng”. Nhưng anh ta nói: “Xấu tệ. Mà nếu tao mua thì chỉ 140.000 đồng thôi”.
Tôi có một cô bạn mà khi gọi điện cho cô, cô cứ cằn nhằn thế này: “Sao anh không gọi cho em? Anh có biết bao lâu rồi không? Tại sao anh không gọi cho em hả?” Bạn biết vì sao tôi không gọi cho cô ta rồi đó.
Những câu bắt đầu bằng “Bạn nên…” mà chẳng ai cần nghe là:
a) “Bạn nên làm theo cách này”.
b) “Lẽ ra bạn nên bán nhà vào tuần trước”.
c) “Bạn nên bắt chước mình: xin việc đi, rồi ăn kiêng, bỏ thuốc và đi nhà thờ…”
d) “Đáng lẽ hôm qua anh nên có mặt ở đây”.
e) “Lẽ ra bạn nên nói với tôi…”
f) “Anh không nên xấu hổ với chính mình”.
Cha tôi luôn biết cái gì nên giữ đừng nói ra. Tôi còn nhớ khi tôi 18 tuổi, đang học kẻ biển hiệu tại một trung tâm mua sắm gần nhà. Đó là một ngày nhiều gió, tôi đang dùng mộtt cái thang to và nặng nề leo lên mái nhà. Có một vài chiếc xe đậu cách đó vài căn. Cha tôi ngẫu nhiên đi ngang qua và nhìn thấy cái thang. Ông nói: “Gió có thể thổi bay chiếc thang và nếu nó ngã vào chiếc xe, phải tốn cả mớ tiền để đền. Nếu bố là con, bố sẽ buộc nó lại”. Tôi cho rằng mình không phải là ông nên tôi không buộc thang lại. 5 phút sau, tôi vừa leo lên và bước ra khỏi thang thì nghe một tiếng sầm. Tôi nhìn xuống và thấy chiếc thang đang nằm ngang trên một chiếc Toyota. Chiếc xe bẹp dúm và chúng tôi tốn cả gia tài để bồi thường.
Khi tôi kể lại cho bố tôi nghe, ông không nói: “Đáng lẽ con phải làm điều cha bảo”, hay “Con ngốc quá”. Ông chỉ gật đầu. Ông biết tôi đã học được bài học. Ông biết, mà dường như lúc nào ông cũng vậy, rằng đôi khi tốt nhất là đừng nói gì cả.
ĐÚC KẾT: Chúng ta không phải lúc nào cũng nên nói cái gì. Nhiều lúc người khác đánh giá bạn cao hơn vì những điều bạn không nói.
KHI BỊ XÚC PHẠM
Những người chín chắn không buồn bực vì những nhận xét tồi tệ của người khác. Người này người kia sẽ nói điều này điều nọ vào lúc nào đó để kiểm tra chúng ta – những nhận xét như “Anh ta làm việc chăm chỉ!” hay “bạn ăn nhiều quá!” hay “Ai cũng biết bạn cưới anh ta vì tiền!” Đôi khi người ta nói vì ghen tỵ, nhưng thường thì họ muốn nhìn thấy phản ứng của bạn. Dù cho động cơ có là gì, cách tốt nhất là bạn nên mỉm cười hoặc không nói gì cả hoặc tỏ vẻ đồng ý với người nói!
Lần tới nếu người hàng xóm của bạn nhìn thấy bạn đi chiếc xe mới và anh ta nói: “Anh không làm việc cật lực mà sao họ trả công anh cao vậy!”, bạn mỉm cười và nói “Như thế không tuyệt sao!” Bạn không cần phải giải thích về tinh thần trách nhiệm hay việc làm thêm ngoài của bạn. Bạn không cần phải chứng minh nó. Chỉ mỉm cười và quên chuyện đó đi.
Khi chị dâu của bạn rên rỉ: “Em lúc nào cũng thong thả!” thì hãy ra vẻ đồng ý với chị ấy. “Vâng, em thích sống thong thả!” Khi chị họ của Fred nói: “Chắc cậu phí tiền cho cái hồ bơi đó lắm”, Fred chỉ mỉm cười và nói: “Đúng vậy! Em ghét mấy cái hồ bơi rẻ tiền!” Đừng cho phép bạn bực mình. Tấn công những người đó bạn chẳng được gì.
Nếu bạn đi dạy hay diễn thuyết trước đám đông, bạn sẽ gặp phải những người hay có những nhận xét về cá nhân. Cũng vậy, bạn đừng biện hộ hay chống đối mà vui vẻ đồng ý với họ. Nếu bạn cứ cố tự vệ trước đám đông thì bạn sẽ phải bỏ cuộc! Hoặc là đồng ý, hoặc là phát triển lấy kỹ năng nghe có chọn lọc và chỉ bám vào cái mà bạn đang muốn nói.
ĐÚC KẾT: Chỉ những người nhỏ nhen mới hay nhận xét ích kỷ, và chỉ có họ bị xúc phạm. Hãy là một người cao thượng.
TRÁNH CÃI CỌ
“Đừng bao giờ đi đánh lộn với heo – bạn bị bẩn mà nó thì thích thú”.
General Abrams
Cãi nhau không tốt cũng không xấu – chỉ mất thời gian vì bạn càng muốn thay đổi suy nghĩ của ai bao nhiêu thì càng ít có khả năng họ thay đổi bấy nhiêu!
Tại sao người ta cãi nhau?
Người ta cãi nhau vì ba lý do chính sau:
1) Họ thật sự muốn tìm cách thay đổi tình hình (họ là những nhà cải cách)
2) Họ muốn được nổi bật. (người thích được chú ý)
3) Họ cảm thấy khó chịu và muốn cãi nhau. (người thích gây sự)
Nếu bạn gặp người muốn thay đổi cái gì đó bằng cách cãi nhau (nhà cải cách) thì tốt nhất nên lắng nghe họ và sử dụng nhưng kỹ thuật ghi trong chương vừa rồi. Tuy nhiên, nếu bạn gặp người thích được chú ý thì nên biết cái gì đang xảy ra và hãy quyết định không tham gia trò chơi.
Người thích được chú ý.Chỉ cãi nhau vì muốn được người khác chú ý. Họ biết là nếu họ bất đồng với người nào đó một cách mạnh mẽ thì người khác sẽ chú ý đến họ. Những người khôn ngoan sẽ chọn tình yêu thương chứ không chọn mâu thuẫn lời qua tiếng lại nhưng đôi khi chúng ta vẫn cãi vã và giận dữ đôi chút để thu hút sự quan tâm.
Cũng có người thích được chú ý bằng cách khác. Bạn biết loại người này. Bạn mời 6 người đến dự tiệc tại nhà. Khi món chính đang được dọn ra, món gà rôti, người phụ nữ đối diện nói rằng đó không phải là món gà rôti mà là vịt rim. Bạn biết đó là món gà vì chính bạn là người nấu nó. Vậy tại sao phải cãi nhau với chị ta. Bạn nên gật đầu, mỉm cười và nói lảng sang chuyện khác.
Sẽ luôn có những người cứ khăng khăng cái gì đó “cũ” khi nó là mới, là “nóng” khi nó nguội, v.v…rằng người đang hát trên đài là Bing Crosby trong khi bạn biết đó là Micheal Jackson. Hãy thư giãn và cứ để họ thích nghĩ những gì họ nghĩ. Bạn không cần phải dạy cho họ biết khi họ không chịu biết. Hãy để cho họ làm điều họ muốn và đừng có can dự vào.
Người thích gây sự thường người muốn cãi nhau vì họ bực bội chuyện gì đó chẳng liên quan đến bạn. Bạn đừng dính vào. Thật dễ để tập cho người khác tế nhị với bạn: bạn chỉ cần không quan tâm đến họ khi họ bực bội hay la hét.
Nếu nhà bạn trở thành một chiến trường thì hãy ra ngoài đi dạo, khi trở về, bạn sẽ nói chuyện bình tĩnh hơn. Không có quy luật nào quy định: “Nếu ai đó muốn phá hỏng buổi chiều của bạn thì bạn phải tham gia cùng với họ”. Bạn nên dạy người ta cách đối xử với bạn bằng cách vẽ một ranh giới… “tôi không thích nghe la hét. Tôi sẽ không nói gì cho đến khi anh không đập phá đồ đạc nữa”. Và rồi bạn bỏ đi.
Chúng ta không cần phải đồng ý
Có những trường hợp mà ở nhà hay ở chỗ làm mà mọi người cần phải thống nhất với nhau hay tuân theo một mệnh lệnh nào đó. Nhưng vô số trường hợp không cần phải thống nhất, không cần biết ai đó có đồng ý với bạn hay không – không cần biết ai đúng ai sai.
Những lúc đó mọi sẽ đơn giản hơn nếu chúng ta vui vẻ để cho mọi người không đồng ý
Bạn có thể nghĩ: “lý thuyết không cãi nhau nghe hay thật nhưng làm sao bạn không thể cãi nhau với người cứ phản đối với bạn kịch liệt?” Hãy vui vẻ cho phép người ta có quan điểm
Khác với bạn! Bạn nên quyết định không quan tâm đến điều họ nghĩ
Từ lúc mới sinh ra, chúng ta đã khao khát sự ủng hộ của mọi người xung quanh. Chúng ta hãy áp dụng công thức: “Nếu anh không đồng ý với tôi thì tôi sẽ la hét, giận dữ, bực bội, hờn giân và mất ngủ!”
Nếu không xem lại chiết lý cá nhân vào tuổi đã trưởng thành thì bạn có thể cứ theo hoài chương trình cũ mèm này trong 25 năm tiếp theo. “Nếu anh không đồng ý với tôi về niềm tin của tôi, quan điểm chính trị và tôn giáo v.v… của tôi thì tôi sẽ không sống hạnh phúc và bình an được!”
Khi người khác không cùng quan điểm với bạn thì sự bất an của bạn nổi lên rồi bạn sẽ phản ứng lại. Nhưng nếu thoát ra được căn bệnh bắt mọi người phải suy nghĩ giống mình thì bạn sẽ không cần phải cãi nhau làm gì.
Hãy tưởng tượng bạn vừa bán chiếc xe hơi mà tôi cho là rất rẻ, tôi nói với bạn: “Sao anh ngốc vậy, đi bán cái xe với giá thật bèo!”
Bạn nói: “Anh thì biết cái gì?”
Tôi nói: “Tôi biết về xe còn nhiêu hơn anh!”
Bạn nói: “Anh cái gì cũng biết hết”.
Tôi nói: “Tôi biết là anh vừa mất 5000 đô”.
Bạn nói: “Sao anh không lo chuyện của anh kìa!”
Tôi nói: “Anh quả là…”
Chúng ta nhanh chóng rơi vào một cái bẫy, ai cũng nóng lên, huyết áp tăng lên. Cứ thử tượng tượng anh để cho tôi có quan điểm của tôi và anh giữ lấy quan điểm của anh. Kết quả cuộc nói chuyện có thể như sau:
“Sao anh ngốc vậy, đi bán cái xe hơi với giá thật bèo!”
“Anh cho là tôi ngốc à?”
“Dĩ nhiên rồi”.
“Ồ, nếu anh nghĩ vậy thì tôi tiếc không thể đồng ý với anh nhưng anh có quyền giữ quan điểm của mình”.
Trong đa số trường hợp cứ để cho người khác có ý kiến của họ thì bạn sẽ tránh được xung đột. Chừng nào chúng ta không áp đặt ý kiến của mình đối với họ thì họ cũng không áp đặt ý kiến của họ với chúng ta. Ai đó có thể nói: “Nếu người khác tấn công bạn và bạn biết là mình đúng, bạn không thể cứ ngồi đó mà chấp nhận. Hãy tự vệ!” Tại sao phải tự vệ? Bạn sẽ không bao giờ làm hài lòng tất cả mọi người. Bạn có thể làm những việc tốt hơn việc thuyết phục người khác thay đổi ý kiến của họ. Cứ để họ tin điều họ muốn tin.
ĐÚC KẾT: Những người thích được chú ý và thích xung đột luôn nghe theo triết lý: “Nếu ai đó không đồng ý với tôi thì tôi phải tìm cách thay đổi anh ta”. Hãy nên làm theo lời khuyên này: “Nếu ai đó không đồng ý với tôi thì tôi sẽ để cho anh ta làm vậy”. Như thế cuộc sống sẽ dễ dàng hơn.
CHỚ NÓI VỚI AI ĐÓ: “ANH NHẦM RỒI”.
“Hãy khôn ngoan hơn người khác nếu bạn có thể nhưng đừng có nói với họ như vậy”.
Lord Chesterfield
Một trong những cách chắc chắn nhất để bị tấn công, nhiếc móc, khinh bỉ, xỉ vả bởi người khác là nói với họ: “Anh nhầm rồi!” Họ ghét điều đó, có nghĩa là họ ghét bạn! Mọi người đều muốn mình đúng. Nếu họ bảo bạn: “ANH NHẦM RỒI !, Tức là họ hiểu bạn như sau: “Anh sai rồi vì thế anh nên nghe tôi”. Nếu cần phải cho người khác hiểu được quan điểm của bạn hay nghe theo hướng dẫn của bạn, hãy tìm cách khác, chẳng hạn nói:
“Tôi tôn trọng ý kiến của bạn – nhưng ý kiến của tôi thì khác”.
“Kinh nghiệm của tôi không giống anh…”
“Tôi rất tôn trọng ý kiến của anh nhưng tôi không đồng ý với anh điểm này…”
“Tôi biết điều này đúng với anh – nhưng với tôi thì cái đúng là…”
Đàn ông đấu kiếm, tham gia chiến tranh, đầu tư tiền bạc, giết người để chứng minh là họ đúng! Việc tỏ ra mình đúng hay không là một chuyện hệ trọng. Nếu bạn muốn có được một sự êm thắm thì hãy nói đến “những ý kiến”, “những ý tưởng”, “những kinh nghiệm khác nhau” hơn là “cái đúng” và “cái sai”.
Thừa nhận mình sai
Chúng ta thường sợ khẳng định mình sai thì sẽ không được tôn trọng dù ngược lại, ta được tôn trọng nhiều hơn. Bất cứ khi nào chúng ta sẵn sàng thừa nhận là mình sai thì người ta sẽ ngưỡng mộ sự can đảm của chúng ta và thông cảm với chúng ta hơn…
Không phải tôi có thành tích nổi bật về việc thừa nhận mình sai nhưng tôi cũng đang cố gắng để làm được như vậy. Tôi hy vọng là việc viết ra chương này sẽ khích lệ tôi làm như thế nhiều hơn. Tôi đã khám phá ra là tôi sai, và tôi thừa nhận điều này thì tôi được thư giãn vô cùng. Tôi đã thấy rằng thế giới không sụp đổ, và người khác cũng không cười tôi như khi tôi khăng khăng là mình đúng.
Thật hợp lý là nếu tất cả mọi người muốn đúng và đôi khi bạn nên để cho họ đúng, người khác sẽ biết ơn bạn vì chuyện đó.
ĐÚC KẾT: Nói với người khác rằng họ sai là cách dễ nhất để tạo ra nhiều kẻ thù. Thừa nhận rằng bạn sai là cách hay nhất để khởi đầu một tình bạn.
CHỚ LÀM NHỤC NGƯỜI KHÁC
Khi người khác làm bạn thất vọng, bạn phải chọn lựa giữa phê bình, làm nhục, làm người khác bối rối, hoặc cố gắng giải quyết vấn đề.
Hiếm khi bạn có thể làm cả hai việc trên cùng một lúc. Làm điều thứ nhất, bạn sẽ khiến cho người khác trở thành kẻ thù… “Bạn thật thiếu chín chắn, vô tích sự, trễ nải và ngu ngốc…” Rồi đề nghị người khác giúp đỡ… “Và bây giờ sau khi tôi đã xỉ vả bạn, hãy đưa tiền lại cho tôi, sửa xe hơi giúp tôi và yêu thương tôi như bạn vẫn từng yêu thương!”
Đó là cách gian nan để có được kết quả! Không cần biết bạn buồn bực như thế nào, bạn phải nhớ là tấn công người khác sẽ làm hỏng cơ hội để họ giúp chúng ta. Khi bạn bắt đầu tấn công người khác thì họ ngay lập tức cho là bạn thô lỗ. Tức thì họ muốn bạn gánh chịu hậu quả và nếu bạn lệ thuộc vào họ trong sự hợp tác giữa hai bên, bạn sẽ nhanh chóng thấy là mình phải chịu hậu quả.
Hãy tưởng tượng là xe hơi của bạn đậu trên đường. Bạn quay về xe và phát hiện ra một chiếc Volkswagen đỗ ngay sau xe bạn. Một ống chữa lửa nằm sát cái chống va trước của xe bạn. Bạn không thể lái xe đi được.
Bạn thấy người chủ chiếc Volkswagen đang ở văn phòng bên cạnh. Nếu bạn đi vào đó và nói: “Tôi đang tìm người đã chèn xe tôi vào chỗ ống chữa lửa!” Bạn sẽ được cái gì? Có thể là anh ta sẽ vui vẻ rời xe anh ta đi. Có thể anh ta sẽ giấu chiếc cặp đi và nói là anh ta đã làm mất chìa khóa, hay anh ta nói chuyện trên điện thoại nửa tiếng để chọc tức bạn.
Để có được kết quả tốt nhất bạn nên cho người khác cơ hội sửa chữa.
Ngay cả với một người chẳng ra gì, bạn hãy tôn trọng họ và cẩn thận khi đối xử với họ.
Giả sử bạn mua một hệ thống hi-fi trong một cửa hàng. Bạn mang về nhà và phắt hiện ra họ bán cho bạn cái có giá rẻ hơn số tiền bạn trả. Bạn nghi rằng họ là quân bịp bợm và đã cố tình gạt bạn.
Bạn đã phát hiện ra là họ có tội, vì thế họ nghĩ: “Nếu ông gọi tôi là tội phạm, thì tôi sẽ là tội phạm!” Tuy nhiên nếu bạn cho họ cơ hội sửa sai bằng cách nói: “Tôi biết là các anh sẽ bối rối khi phát hiện ra là các anh đã đưa lộn tôi cái máy”, họ sẽ nhiệt tình cùng bạn điều chỉnh ngay. Bạn nên tranh thủ cái tốt ở họ để họ có thể thấy được cái tốt ở họ.
(Tương tự nếu bạn chửi họ là đồ dối trá và họ không cố tình làm như vậy thì họ sẽ không hài lòng. Hơn nữa, nhiều khi bạn phải trả giá vì xúc phạm người khác.)
ĐÚC KẾT: Người khác thường vui vẻ đáp ứng mong đợi của bạn nếu họ được tôn trọng và đối xử tốt. Nếu bạn muốn hợp tác thì tốt nhất nên tôn trọng đối tác. Như thế họ sẽ giúp bạn thoát ra khỏi khó khăn.
KHI MUỐN PHÊ BÌNH
Những điểm cần nhớ khi muốn phê bình:
A) Phê bình không có mấy tác dụng
B) Người ta hiếm khi buộc tội chính họ
C) Nếu bạn buộc tội người khác thì họ sẽ buộc tội bạn!
Nếu tôi thỉnh thoảng phê bình chính tôi thì không sao, nhưng nếu bạn làm thế với tôi thì đó là chuyện hoàn toàn khác. Thật kỳ lạ, phải không các bạn? Nếu chúng ta tìm thấy vài lỗi nhỏ của chính mình, cha mẹ mình, khuôn mặt, thành phố, bạn bè mình thì không sao, nhưng nếu người nào khác tìm ra những lỗi đó thì coi chừng!
Phê bình là cách nhanh nhất để gây lòng căm thù và phá hủy quan hệ. Cái tôi của chúng ta mỏng manh đến nỗi sự không công nhận sẽ đánh trúng ta như chiếc búa tạ. Lúc bị phê bình, chúng ta thanh mình, chúng ta đổ lỗi và la hét rồi bỏ đi.
Là con người, chúng ta có khả năng kỳ lạ là luôn xem mình vô tội. Những nhà tâm lý đã nói rằng: ngay cả bọn tội phạm dã man nhất cũng không tin là họ có tội. Nếu bạn thử đến trại tù giam giữ bọn tội phạm hãm hiếp giết người và phỏng vấn những tù nhân này thì bạn sẽ nghe họ nói là họ “vô tội” hoặc “bị hiểu nhầm” hoặc cả hai và rằng ai đó phải bị kết tội vì bắt họ chịu đựng như thế.
(Al Capone, một trong những tên giết người bỉ ổi nhất nước Mỹ đã từng than thở rằng hắn bị quy “là giết người, là kẻ thù số một của dân chúng, trog khi tất cả những gì hắn muốn làm là giúp đỡ người khác!”)
Nếu những tên giết người và những kẻ đê tiện còn không chịu nhận tội của chính bản thân chúng thì làm sao những người chiếm chỗ của bạn trên xe điện hay những khách hàng chạy nợ lại chịu nhận lỗi của họ? Họ nói rằng đó không phải là lỗi của họ! Dù gì đi nữa thì hiếm có ai dám nhận là mình có lỗi.
Phê bình đôi khi làm hỏng mọi chuyện, làm tê liệt thần kình, làm người khác bất bình và tổn thương… Rắc rối không chứ?!
Nếu bạn phải phê bình
Hãy khen trước. Nếu tôi nói với bạn: “Bạn trông rất tuyệt. Kiểu tóc không chê vào đâu được, áo bạn đẹp và quần cũng vậy. Vớ cũng rất hợp. Cái duy nhất cần chỉnh tề hơn là đôi giày. Cần phải đánh giày lại”, có lẽ bạn sẽ không quá bực. Bạn sẽ thấy là tôi ủng hộ bạn.
Khen ngợi là viên đường làm cho viên thuốc đắng trở nên dễ uống. Con người là sinh vật tế nhị và nhạy cảm nhất, và rất ít nhớ. Bạn có thể bảo vợ bạn rằng cô ta là ánh sáng của đời bạn vào buổi sáng, nhưng nếu vào buổi trưa nếu bạn phê bình món bánh do cô ta nấu thì hãy cẩn thận! Nếu bạn muốn cô ấy nướng cái bánh khác cho mà ăn thì hãy ca ngợi về món khoai tây nướng của cô trước khi phê bình món bánh.
Đã khen thì phải khen thành thật. Không được nịnh bợ, giả dối. Rõ ràng luôn có cái gì đó ở ai đó đáng khen vì thế phải nói cho người đó biết. Nên khen cho cụ thể: “Anh đã xử lý cuộc điện thoại đó rất khéo và tôi thích cách anh giữ bình tĩnh”, còn nịnh bợ thì thường chung chung về bản chất và người ta có thể nhận ra sự khác nhau.
Giả sử bạn đang nhắc cho ai nhớ. Cái tôi của chúng ta lớn đến nỗi ta chỉ thích được nhắc cho nhớ chứ không thích bị bảo. Khi bạn nhắc ai đó: “John, tôi cá là tôi đang nói với anh điều mà anh đã biết…” như thế bạn đang đặt câu hỏi với trí nhớ của họ hơn là chuyện họ có khôn ngoan và phải chịu làm chuyện gì đó không. Ai cũng thích bị cho là đãng trí hơn bị cho là ngu ngốc. Vì thế bạn nên dùng những câu như, “Tôi đã thấy anh làm điều này rất hay trước đây. Tôi nghĩ tạm thời anh quên…”
Hoặc, “Bạn có lẽ đã nghĩ đến chuyện này…” “Tôi có thể nhắc giúp anh chuyện này không?”
Thừa nhận mình có vấn đề trước. Điều làm người khác không thích khi bị phê bình là cảm giác người ta đang nói với mình: “Tôi tốt hơn anh”.
Nếu tôi nói với bạn: “Anh lúc nào cũng trễ!” hẳn là bạn sẽ nhớ lại xem tôi đã trễ bao nhiêu lần rồi? Trễ không phải là vấn đề, cái chính là cảm giác bạn đang bị coi thường.
Khi bạn thừa nhận vấn đề “Một trong những cái dở của tôi là hay đi trễ, tôi thấy anh cũng mắc tật này…” như thế dễ chấp nhận hơn.
ĐÚC KẾT: Nếu bạn muốn bảo vệ mối quan hệ và được lòng người khác thì nên nhạy cảm với cái tôi của người ta. Hãy thành thật và tỏ ra khuyến khích người khác. Khi có thể, nên áp dụng những cách sau:
1) Khen ngợi trước khi phê bình.
2) “Nhắc” chớ đừng “Bảo” người khác làm gì.
3) Thừa nhận cái dở của chính mình
4) Nhìn vào tương lai chớ đừng đổ lỗi cho quá khứ.
TRƯỚC TIÊN HÃY HỎI CHO RÕ
Andrea hét lên trong điện thoại “Anh đã tính tiền cho tôi buổi học đó. Tôi đã trả đầy đủ. Tôi đã nói với anh hai lần là tôi không nợ nần gì anh hết. Anh làm tôi và cả gia đình tôi bực! Chuyện làm ăn của anh thật chẳng ra gì! Tôi sẽ làm lớn chuyện này”. Cô ta rất giận dữ. Khi cô ta bỏ điện thoại xuống, tôi nói: “Tôi sẽ kiểm tra và nói chuyện với cô sau. Xin cảm ơn cô đã gọi”.
Năm phút sau, thật ngạc nhiên, Andrea gọi tôi. “Chồng tôi đã tìm thấy cái cùi séc. Tôi thật xấu hổ. Tôi không biết nói gì. Có lẽ tôi đã thề với anh là tôi đã trả anh hai lần. Thật kinh khủng quá”.
Andrea không chỉ gọi lại để xin lỗi, cô còn gửi cho tôi sô cô la và hoa!
Veronica được tặng một máy nướng bánh nhân ngày lễ Giáng Sinh của cô. Được một tuần thì nó không hoạt động được nữa. Cô rất giận. Cô đến hiệu sửa điện gần nhà và yêu cầu họ sửa chữa và thay cái mới.
Họ nhìn cái máy và họ vui vẻ sửa chữa giúp nhưng họ nói với cô: “Cái máy này được mua ở cửa hàng bên kia đường!”.
Hãy nắm rõ đầu đuôi sự việc trước khi mở miệng ra. Trước khi chửi bới chủ nhà, đe dọa người bán hàng hay cãi lại ông chủ thì hãy nắm vấn đề cho rõ trước.
Tìm hiểu trước sẽ làm cho bạn không bị bối rối, không bị “mắc họng”. Biết chắc điều mình sẽ nói làm cho bạn tự tin và mạnh mẽ hơn.
Khi bạn bị tính mắc (đắt)
Không ai thích bị tính mắc, và một sso người biết cách xử lý tốt hơn những người khác. Polly điện thoại cho thợ sửa xe và nói: “Anh thật đã ăn chặn tiền của tôi. Anh là tên đê tiện. Tôi chưa bao giờ yêu cầu anh thay hộp số cho xe tôi. Tôi sẽ kiện anh. Tôi đã bảo anh không được làm việc gì mà không hỏi ý kiến của chồng tôi trước”.
Người thợ sửa xe nói: “Sáng nay tôi đã gặp chồng cô, anh ta đã viết ủy quyền cho tôi ngay tại đây”.
Chỉ trong một phút Polly đã biến mình thành một tên ngốc và thành kẻ thù của người thợ sửa xe!
Lại một lần nữa, biện pháp khôn ngoan là thu thập hết mọi dữ kiện về vấn đề liên quan trước, giống như một quan tòa phải có tất cả bằng chứng mà mình sẽ cần.
“Anh có nhớ đã báo cho tôi giá nào không?”
“Anh có ghi sổ những khoản tôi đã thanh toán không?”
“Anh có tháy hóa đơn đã gởi đến cho tôi không? Anh có nghĩ số tiền đó đúng không?”
Thường thì chỉ cần một vài câu hỏi thông minh sẽ làm cho vấn đề trở nên đơn giản hơn. Đôi khi người ta quên mình đã hứa gì. Ngay cả khi bạn làm rõ điều họ không nhớ, bạn có thể nói: “Tôi nhớ là 300 đô la và nó đây”.
Như bạn đã biết, hóa đơn và sổ sách cũng có khi sai. Đặt câu hỏi một cách bình tĩnh là cách hay nhất trước khi bước vào trận chiến và sẽ giúp cho bạn đỡ bối rối và dễ giải quyết vấn đề hơn.
Tương tự, khi người ta không đến thì đừng giao hàng, đừng giải quyết công việc. ĐẶt câu hỏi rất có lợi để bạn kết luận vấn đề. “Anh có nhớ tôi đã yêu cầu gì không? Anh đã hứa gì với tôi? Ai chịu trách nhiệm trong chuyện này?”
Một cách hỏi khác là “Vậy nếu?
“Vậy nếu tôi chứng minh được là anh đã tính mắc cho tôi thì anh sẽ làm gì?”
“Nếu phía anh nhầm thì anh sẽ chịu chi phí chứ?”
Người thông minh biết cách đặt câu hỏi. Hãy cho người ta nói còn bạn lắng nghe.
Hãy tìm hiểu xem
a) Họ biết gì
b) Họ nghĩ gì
c) Họ sẽ làm gì – Trước khi bạn mở miệng.
Những câu hỏi khôn ngoan khác là:
“Anh hiểu nó như thế nào?”
“Anh sẽ cảm thấy như thế nào nếu anh là tôi?”
“Nếu anh là tôi thì anh sẽ làm gì?”
ĐÚC KẾT: Mỗi khi bạn thương lượng cái gì với ai đó thì nên chọn chiến lượcđặt câu hỏi trước. Bạn sẽ không bối rối và tin tưởng rằng mình nói chuyện dựa trên vị thế mạnh của mình. Khi bạn hỏi người khác, bạn sẽ hướng suy nghĩ của họ theo cách của bạn, như thế sẽ khôn ngoan và thành công hơn là bắt người ta phải nghĩ.
Ghi điểm bằng câu hỏi
Không ai thích sa thải người khác (Ừm, đa số là vậy!) Khi buộc phải sa thải hay kỷ luật ai đó thì cách hay nhất là hỏi câu hỏi.
Tôi có một người bạn, Charlie, người rất giỏi nói chuyện. thư ký của Charlie là Jenny rất xấu tính và hay cãi lộn với vợ của Charlie cũng làm việc trong văn phòng. Charlie quyết định sa thải cô thư ký. Anh muốn cô biết vì sao cô mất việc và cố gắng nói với cô càng khéo càng tốt. Anh ta kể cho tôi nghe một cuộc đàm thoại của họ và đây quả là một ví dụ tuyệt vời minh họa cho cho thấy việc sử dụng câu hỏi khéo léo đã giúp anh ta đạt được điều mình muốn như thế nào:
“Jenny, cô nói xem thái độ của cô trong thời gian làm việc vừa qua như thế nào?”
“Không được hoàn hảo lắm”
“Chúng ta đã nói về chuyện này trước đây rồi phải không?”
“Vâng, ông chồng tôi làm tôi bực quá”.
“Chúng ta có nên nói chuyện đó ở đây không?”
“Tôi không nghĩ vậy”.
“Cô có thấy cô hay gây gổ quá nhiều với vợ tôi không?”
“Đúng vậy”.
“Cô có thấy việc này thay đổi chút nào không?”
“Tôi cho là không”.
“Hãy nói cho tôi biết. Nếu tôi phải chọn để có một văn phòng vui vẻ và một cuộc hôn nhân hạnh phúc thì tôi nên đuổi ai?”
“Ừm,… tôi”
“Cô hiểu là cô sẽ bị đuổi à?”
“Vâng”
“Thế là ta đã thống nhất nhé”.
“Vâng, tốt hơn là tôi nên đi”.
Jenny đã sa thải chính cô ta.
Charlie không tấn công cô hay phê bình gì cô. Bằng cách sử dụng những câu hỏi tài tình, anh làm cho cô hiểu cô phải nghỉ việc.
Đây là một nghệ thuật. Bạn không thể chỉ nói những câu cũ rích như: “Cô muốn được nghỉ việc như thế nào?” Bạn phải có một vài ý tưởng là người kia có thể trả lời câu hỏi của bạn như thế nào để đạt được mục tiêu của bạn.
GIẬN DỮ KHÔNG KHIẾN ĐƯỢC NGƯỜI KHÁC LÀM THEO LỜIBẠN
Bực tức và giận dữ với người khác cũng không sao – bày tỏ sự giận dữ là việc nên làm. Nhưng chúng ta không nên phạm sai lầm là khiến người khác làm theo ý mình bằng cách nổi giận và hét vào mặt họ.
Ví dụ, bà mẹ đề nghị đứa con, tên là Willie dọn phòng. Willie biết là mẹ không nghiêm lắm nên tiếp tục xem phim Batman.
Mẹ cậu lại nói: “Willie, con hãy dọn phòng đi”. Willie biết là như những lần trước, có thể 45 phút sau làm cũng được.
Mẹ cậu lại nhắc lần thứ ba: “Willie, con dọn phòng ngay đi”. Willie cũng vẫn cho là mẹ cậu mới bắt đầu nghiêm một nửa. “Mình chỉ còn 3 phút Batman thôi mà”.
“Willi, dọn phòng“.
“Nghe dữ hơn rồi”, Willie nghĩ. “Nhưng vẫn chưa đủ đô nên chưa nguy hiểm”, Willir vẫn bám vào cuộc thập tự chinh mới trên màn hình. Mẹ cậu đã bắt đầu bốc hỏa. Willie nhìn mẹ. Bà mẹ đỏ mặt nhưng chưa hét lên. Cậu ta đoán phải hai phút nữa bà mới nổ tung.
Một phút trôi qua và bà mẹ bước vào phòng với một cây chổi. Bà hét to hết cỡ và vung chổi lên,
Mày đi dọn phòng ngay, không thì tao sẽ đánh cho chết“.
Willie không dám đợi bà nói hết câu – bà đang cầm chổi! Mẹ đang hành động, rốt cuộc bà cũng dùng tới biện pháp đe dọa. Bây giờ Willie rất sợ và đã bị ấn tượng:
Cuối cùng bà mẹ cũng đạt được điều mình mong muốn và bà nói: “Làm như muốn bảo nó làm một cái gì tôi cũng phải la lên thế này”.nhưng không phải việc la lên có tác dụng mà là cái chổi.
Bà mẹ đã có thể làm theo cách khác. Bà nên nhìn thẳng vào mắt Willie ngay lúc đầu và nói: “Willie bây giờ là 4:15 chiều. Đến 5:30 thì con phải dọn xong phòng con, mẹ sẽ không nói lại nữa. Mẹ sẽ không bực và không la lên. Nếu con dọn xong phòng trước 5L:30 theo đồng hồ trong bếp mẹ sẽ rất vui. Nếu không thì cả tuần mẹ sẽ không cho con xem truyền hình nữa. Con có hiểu không? Con có hỏi gì không?”
Nếu bà mẹ sẵn sàng tuân theo những điều kiện đã đưa ra thì Willie sẽ nhanh chóng học được điều này. Nếu bà không nghiêm và cứ để cho nó xem truyền hình dù nó không chịu dọn phòng thì bà sẽ sớm phải dùng lại cái chổi và la hét.
Bạn sẽ có được kết quả từ việc hành xử cho nhất quán. Phải sẵn sàng hành động. Chúng ta phải tuân lệnh cảnh sát vì họ giữ đúng lời hứa. Vì là luật nên cảnh sát không la hét hay gào lên nhiều. Họ không nổi đóa, không dậm chân và la lên: “Tôi đã bảo anh 17 lần ngày hôm nay và bây giờ tôi nói lại lần cuối cùng: Không được ăn cắp đồ của người khác”. Thay vì vậy họ có thông điệp là: “Nếu ăn cắp thì chúng tôi sẽ bắt anh”.
Những người giữ được sự tôn trọng và kiểm soát được tình huống thì sẽ đạt được kết quả như ý. Thủ tướng, tổng thống, quan tòa, đô đốc trong quân đội hiểu rằng la hét không làm cho người khác làm theo ý mình.
ĐÚC KẾT: Bởi vì chúng ta thỉnh thoảng không chịu hành động ngay cho đến lúc sử dụng biện pháp la hét. Có thể chúng ta tin rằng la hét sẽ làm cho người khác chịu phục tùng, không phải vậy. Người khác cho là bạn nghiêm túc bởi vì những cái bạn làm chứ không phải vì bạn hét thật to.
LẬP RA NHỮNG NGUYÊN TẮC
NẾU CUỘC SỐNG LÀ MỘT TRÒ CHƠI THÌ HÃY CHO MỌI NGƯỜI BIẾT LUẬT!
Fred có vấn đề với con trai, Johnnie. Fred thường bảo Johnnie đem rác đi đổ hàng tuần. Johnnie không làm như vậy thường xuyên lắm. Những lúc Johnnie không làm, Fred tội nghiệp không biết phải làm gì với nó. Anh tự nhủ: “Mình đánh nó, bắt nó đi ngủ, hay cắt tiền tiêu, hay nói chuyện với nó xem…?”
Junie cũng gặp chuyện tương tự với Karen, thư ký. Thường thì cô yêu cầu thư ký đánh máy cho xong những hồ sơ nào đó vào cuối ngày. Ai cũng biết yêu cầu này là hợp lý, nhưng dường như không bao giờ thư ký hoàn thành việc đánh máy đúng thời hạn. Junie không thể đánh cô ta, bắt cô ta đi ngủ. Junie chỉ muốn giữ một quan hệ vui vẻ trong văn phòng và hơi bối rối không biết nên xử lý vấn đề cách nào tốt nhất.
Trong những tình huống trên, những quan hệ sẽ bị ảnh hưởng. Nếu người khác làm chúng ta thất vọng, và chúng ta phạt họ vì đã làm vậy, họ giận ta. Thường thì họ cho là không công bằng, ta vô lý hay khó chịu.
Nói với họ ngay từ đầu
Giải pháp là thường xuyên bảo con bạn hay thư ký của bạn trước đó một thời gian về:
a) Điều bạn muốn
b) Điều gì xảy ra nếu họ làm tốt
c) Điều gì xảy ra nếu họ không làm
Nên nói với họ một cách nhẹ nhàng. Hãy nghe Fred nói:
Fred: “Johnnie, ta hãy nói về chuyện con đổ rác”.
Johnnie: “Cái gì cơ?”
Fred: “Trong nhà này ai cũng phải làm việc. Công việc của con là đổ rác. Con có hiểu điều đó không?”
Johnnie: “Có ạ!”
Fred: “Bố muốn con phải đổ rác hàng tuần, con có làm không?”
Johnnie: “Dạ”.
Fred: “Nếu con làm thì nhà ta sẽ rất sạch sẽ, con được nhận tiền tiêu và bố không bao giờ rầy la con chuyện đổ rác. Con hiểu không?”
Johnnie: “Dạ hiểu ạ. Vậy là xong ạ?”
Fred: “Không, còn nữa. Nếu con không đổ thì con nên hiểu là bố sẽ không cho con tiền tiêu vào tuần đó. Không phải là bố không thương con hay tỏ ra keo kiệt. Đó là luật trong nhà này. Con được thưởng nếu làm và bị phạt nếu không làm”.
Johnnie: “Đồng ý”.
Fred: “Vậy con hãy nói lại xem chúng ta thỏa thuận việc đổ rác như thế nào?”
Johnnie: “Chừng nào con đổ rác thì được bố cho tiền”.
Fred: “Nếu con không đổ?”
Johnnie: “Con không được nhận tiền tiêu”.
Fred: “Đúng vậy con muốn hỏi gì nữa không?”
Johnnie: “Không ạ”.
Fred: “Được rồi, bố muốn con biết trước để sau này không rắc rối gì hết”.
Vậy là Fred đã đặt ra một số luật lệ, anh ta đã làm cho cuộc sống của anh dễ chịu hơn. Anh không cần áp lực thêm thì rác vẫn được đổ và con trai anh phải tôn trọng anh. Nếu Johnnie quyết định không đổ rác thì phải không được nhận được tiền. Nó có thể cho tiền cậu hàng xóm để cậu ta đổ rác cho nó.
Julie có thể dùng giải pháp tương tự với Karen, cô thư ký….
Julie: “Tôi muốn cô đánh máy xong những cái này trước cuối ngày”.
Karen: “Được ạ”.
Julie: “Cô có xong trước 5h30 được không?”
Karen: “Được”.
Julie: “Rất quan trọng. nếu cô làm tôi rất biết ơn”.
Karen: “Dạ”.
Julie: “Karen, tôi muốn cô hiểu là trước khi cô về, cô phải làm xong việc đó. Nếu không thì cô phải ở lại làm, cô có rõ không?”
Karen: “Vâng”.
Nếu bạn quan sát, bạn sẽ thấy mấy ông bố bà mẹ và những người chủ luôn gặp phiền toái với những việc như thế này. Hoặc họ không đặt ra luật lệ, hoặc là họ quá mềm mỏng không giữ đúng luật lệ, họ sẽ gặp phiền toái.
Ví dụ: Bà mẹ cho con đi chơi biển. Lúc 5h chiều, bà nói: “Chúng ta về thôi”.
Bọn trẻ nói: “Chút nữa đi ạ”
Lúc 5h15 chiều, bà nói: “Chúng ta về nhà”.
Bọn trẻ nói: “Một lúc nữa đi ạ !”.
Lúc 5h25, bà nói: “Mẹ nói phải về”.
Đến 5h45 thì bà không tìm thấy bọn trẻ nữa. Rốt cuộc, cả nhà rời biển lúc 6h30 và bà mẹ tự hỏi: “Tại sao bọn trẻ lại không nghe lời mình cứ?”
Sự thật là, chính bà mẹ không giữ lời! Bà luôn tỏ vẻ mình không coi trọng lắm điều mình nói. Bà nói: “Mẹ đi đây”. Nhưng không đi. Những đứa trẻ biết mẹ của chúng là người hay nhượng bộ. Bà ta nên làm gì? Lúc 4h30 bà nên bảo đám con: “10 phút nữa chúng ta sẽ rời đi”. Lúc 5h, bà cứ lên xe lái đi dù có đám con hay không. Những đứa trẻ phải biết mẹ chúng nói là làm. Để cho cuộc sống được dễ dàng về lâu về dài, chúng ta cần phải nghiêm khắc và cần phải mạnh mẽ.
Hãy quan sát những ông bố bà mẹ sau đây với con mình trong siêu thị:
Billie hai tuổi: “Con muốn được ăn sôcôla”.
Ông bố: “Con không được ăn sô cô la”.
Billie: “Con muốn ăn”.
Ông bố: “Con không được ăn”.
Billie: “Con muốn ăn một thanh”.
Ông bố: “Con không được ăn”.
Billie(hét lên): “Con muốn ăn”
Ông bố: “Không”.
Billie (bắt đầu khóc rống lên): “Con muốn ăn một thanh. Con muốn ăn một thanh. Con muốn ăn sôcôla.”
Ông bố: “Này ăn đi”.
Thông điệp của ông bố: “Nếu con chịu la lên và khóc đủ lâu thì bố sẽ cho con thứ con muốn”. Thậm chí ông bố có ý nói: “Không, bố sẽ chùn bước nếu con làm ồn quá. Nếu con hốn xược thì con có thứ con muốn.”
Tạo điều kiện cho Billie biết bằng cách quấy rối, nó sẽ có được cái nó muốn, ông bố còn tự hỏi tại sao nó làm thế không biết. Ông bố nên làm gì? Chỉ cần bảo Billie trước: “Hôm nay con không được ăn sôcôla. Con có làm gì bố cũng mặc, không cho ăn sôcôla. Con muốn nổi tam bành cũng được, nhưng không được ăn sôcôla”.
Billie sẽ hiểu được vấn đề. Trẻ con học rất nhanh.
Bắt người ta cam kết
Giới doanh nhân có một câu nói: “Điều bạn nói không đáng quan tâm, điều khách hàng nói mới là cái đáng nhớ”. Trong ngữ cảnh này, điều đó có nghĩa làngười ta không cam kết bất cứ điều gì trừ khi chính miệng họ nói ra điều đó.
Tức là gì? Tức là không chỉ nói với con gái : “Mẹ muốn con về nhà lúc 11h” là đủ. Có thể nó sẽ nghĩ “Vậy mẹ muốn mình về nhà vào lúc đó!” Rồi nó nghĩ: “Mình đâu có nghe điều này”.
Bạn cần phải đi xa hơn. Phải yêu cầu con bạn trả lời. Phải nhìn vào mắt nó khi nói như thế. Khi con bạn chú ý nghe thì bạn sẽ nói: “Con có làm không?” Bắt nó phải cam kết. Nên áp dụng điều này trong bất kỳ thỏa thuận nào. Hãy hỏi người khác: “Bạn sẽ mua cái đó/ hoàn thành việc đó/ đến đúng giờ chứ?” Nói cho người khác biết điều bạn muốn chẳng có nghĩa lý gì trừ khi.
A) Họ nghe bạn nói.
B) Họ hiểu ý bạn.
c) Họ đã cam kết.
Đôi khi, bạn sợ không dám yêu cầu người ta cam kết vì bạn lo lắng người ta sẽ nói “không”. Thật là yếu đuối!
ĐÚC KẾT: Người ta luôn trốn thoát khỏi cái mà họ biết là họ trốn được. Để cho cuộc sống dễ dàng hơn và bạn có được kết quả tốt hơn với người khác;
a) Hãy nói với họ trước. “Đây là điều tôi muốn. Hậu quả sẽ như thế này”.
b) Kiểm tra xem họ có hiểu không.
c) Tự cam kết với mình sẽ hành động và giữ vững cam kết đó
Học từ sai lầm
Harry đi làm về trễ. Vợ anh thảy thức ăn lên bàn và la lên: “Anh đi đâu thế? Anh về rất trễ!” Anh ta về trễ đã 28 năm nay và cô cũng đã giận dữ anh trong 28 năm. Cô hét lên, anh giận.
Câu hỏi: Sau gần nửa thế kỷ sống với nhau họ phải học được cái gì về quan hệ với con người chứ? Cô vợ không tìm được cách gì khuyến khích anh chồng về nhà sớm sao?
Điều gì xảy ra nếu cô nói: “Anh yêu, em rất vui khi thấy anh về nhà. Mỗi khi anh về trễ, em thật nhớ anh quá!” Như thế có phải anh ta sẽ phản ứng khác không?
Thời gian trôi qua, chúng ta có biết cách sống cho hạnh phúc hơn không? Chẳng lẽ chúng ta không thực hành được để hoàn thiện khả năng hòa hợp gia đình và đoàn kết với những người vui vẻ để mỗi ngày càng trở nên hạnh phúc hơn sao?
Tôi có một người hàng xóm rất dễ đổ mọi thứ lên đầu chồng mình. Cô đập vỡ kính, quăng bất kỳ thứ gì cô tóm được lên đầu anh. Có người đi ngang qua thấy cô ném cả chai sữa vào người anh.
Hai người đã cưới nhau được 24 năm và có lúc tôi cứ nghĩ chắc họ không học thêm được chút nào nữa về việc giao tiếp và quan hệ với con người.
Một số cách làm không bao giờ có tác dụng! Đập phá đồ đạc là một cách, những khi cư xử và hành động có thể làm rạn nứt quan hệ. Chẳng hạn nói với nhau những câu như:
“Anh đi đâu về thế?”
“Anh biết mình đang làm gì chứ?”
“Anh lúc nào cũng trễ!”
“Cái đó là lỗi của anh”.
“Anh thật ngu ngốc, lười nhác, mập, đần độn, ích kỷ và vô tích sự”.
Tác dụng cuả chúng sẽ hết sức tồi tệ. Chúng ta cần học hỏi kinh nghiệm và không nên tiếp tục mắc sai lầm tương tự.
Ví dụ, khi chồng bạn cứ về trễ hoài, bạn nên nói “Em yêu anh đến nỗi khi anh về trễ, em bắt đầu nhớ anh. Em cảm thấy anh không quan tâm và điều đó làm em buồn…” Chúng ta nên cho họ cơ hội để họ làm theo mong muốn của chúng ta, chứ không phải cơ hội để rời bỏ chúng ta. Thường thì người hay trách móc sẽ cằn nhằn và người về trễ sẽ càng về trễ hơn, và thậm chí đi luôn để khỏi phải nghe lời cằn nhằn.
Một ông tên là Robert có bà vợ cằn nhằn khi chồng gọi từ cơ quan nhắn là đêm đó ông sẽ về trễ sau bữa ăn tối. Ông bảo vợ để thức ăn của ông vào lò vi ba và ông rất ngạc nhiên thấy bà rất sốt sắng. Khi về nhà ông mới hiểu ra tại sao bà vui vẻ làm vậy: vì thức ăn hôm đó là món xà lách!
Chúng ta đang nói đến những kĩ năng giao tiếp rất cơ bản và ai cũng biết – nhưng thỉnh thoảng cũng nên nhắc lại những điều cơ bản nhất.
ĐÚC KẾT: Chúng ta nên bằng mọi cách cải thiện cho các quan hệ ngày càng tốt hơn chứ đừng để bị mai một dần đi. Quan hệ cũng giống như làm kinh doanh – hoặc phải tốt hơn lên hoặc sẽ tệ đi – không bao giờ có sự đứng yên.Nếu mọi việc không cải thiện tức là chúng ta sống mà không chịu học.
KỲ VỌNG CỦA BẠN THÀNH SỰ THẬT
Vào những năm 60 tiến sĩ Robert Rosenthal của đại học Harvard thực hiện một thí nghiệm ở một trường trung học tại California. Vào đầu năm học hiệu trưởng gọi 3 giáo viên vào phòng và bảo họ: “Dựa trên thành tích giảng dạy của các anh trong 3, 4 năm qua, rõ ràng các anh là những giáo viên giỏi nhất trong trường. Để thưởng công, năm nay tôi giao cho mỗi anh một lớp gồm 30 học sinh xuất sắc nhất trong trường. Học sinh sẽ được chọn dựa trên chỉ sô thông minh và lòng hăng say học tập của chúng”. Ông nói thêm: “Hãy dạy chúng như những học sinh khác và đừng nói với những học sinh này hay bố mẹ chúng rằng các anh biết chúng đặc biệt”.
Vào cuối năm, 3 lớp này đạt thành tích học vấn cao nhất toàn tỉnh, khoảng 20 – 30% tiến bộ trên mức bình thường.
Lúc này hiệu trưởng mới tiết lộ cho các giáo viên biết. “Những học sinh này không được chọn theo khả năng học vấn mà hoàn toàn ngẫu nhiên”. Quá ngạc nhiên, 3 giáo viên chỉ biết giải thích rằng những học sinh đã tỏ ra xuất sắc bởi vì chính họ, những giáo viên, là rất giỏi. Tiết lộ thứ 2: giáo viên cũng được chọn ngẫu nhiên.
Ba giáo viên đó đã tin vào khả năng của mình và kỳ vọng là học sinh sẽ học giỏi và học sinh đã chứng minh là họ đúng.
Điều chúng ta rút ra được ở đây là con cái, đồng nghiệp, và ngay cả bạn đời chúng ta sẽ hành động theo kỳ vọng của chúng ta. Nếu bạn nghĩ mình đang huấn luyện cho một đội bóng tồi, họ sẽ thua và chứng minh là bạn đúng. Khi bạn tin người khác thì họ sẽ tin vào chính họ và có xu hướng chứng minh là bạn đúng khi tin họ.
Bạn nói: “Nhưng ai cũng biết điều đó! Không có quyển sách nào dạy cách làm bố mẹ hay quản lý bản thân mà không nói đến tầm quan trọng của lời khen và sự khuyến khích”. Đúng! Chúng ta nghe nói nhiều đến vấn đề này nhưng không ai biết. Khi người ta thật sự biết cái gì thì họ phải sử dụng nó trong cuộc đời mình. Hãy hỏi chính mình xem bao nhiêu thầy giáo và ông chủ đã khuyến khích và nung nấu cho bạn khát vọng đạt đến đỉnh cao.
Bạn kỳ vọng gì tự người khác
Phat hiện của Rosenthal khiến cho chúng ta phải suy nghĩ: “Tôi đã kỳ vọng gì từ người khác trong đời tôi?” Fred nói: “Ừm, Rosenthal thì không sao, nhưng tôi biết rằng thư ký của tôi là một người trì độn!”Chỉ là vì cậu tin như thế, Fred ạ. Nếu cậu “biết” cô ấy là người trì độn thì cô ấy sẽ cứ trì độn. Khi bạn bắt đầu tin vào cô và khuyến khích cô thì cô sẽ bắt đầu có những hứa hẹn mới mẻ.
Tất cả chúng ta đều có thể giống như Fred – kỳ vọng để bị thất vọng hoặc để cho kỳ vọng của chúng ta biến thành sự thật tốt đẹp.
Vậy làm cách nào để khuyến khích ai đó?
Bạn làm cho người khác kỳ vọng sẽ thành công bằng cách giúp họ thấy được tiến bộ của bản thân họ. Thường thì tự họ không nhìn thấy. Bạn tuyển người mới vào và nói: “Jim, chỉ mới một tuần mà anh đã làm được chuyện. Dù hơi sớm nhưng tôi cho là với kỹ năng của anh, anh sẽ điều hành bộ phận này trong hai năm nữa”.
Bạn bắt đàu sơn bức tranh trong tâm trí Jim về những khả năng lớn hơn. Bạn làm cho anh ta thấy mình thành công. Làm cho người khác kỳ vọng ở chính bản thân họ không phải chỉ là vấn đề khen ngợi, dù không thể thiếu cái này. Bạn phải đưa họ vào tương lai. Bạn nói: “Con trai, bố biết là con đang gặp khó khăn với môn Toán, nhưng thử tưởng tượng con dành thêm nửa giờ mỗi tối với những bài toán này, với quyết tâm của con, bố nghĩ con sẽ vượt qua bạn A trong kỳ thi tới. Con thấy sao?”
ĐÚC KẾT: Bạn không thể khiến ai đó làm những việc mà họ không muốn làm, nhưng ai cũng muốn được khen ngợi và thấy mình thành công. Hãy học cách nhận ra giá trị và tiềm năng của người khác. Hãy khen ngợi họ một cách đặc biệt và nói với họ điều họ có thể đạt được và tại sao bạn tin là họ sẽ đạt được. Họ sẽ chứng tỏ cho bạn thấy.
PHONG CÁCH CHIẾM ĐƯỢC TÌNH CẢM BẠN BÈ
Nhiều người trong chúng ta đã từng nghe những buổi diễn thuyết bất tận của gia đình và thầy giáo về tầm quan trọng của cách cư xử. “Hãy khéo léo. Nói cám ơn. Chải tóc đi. Nhấc chân khỏi bàn. Đừng nói khi đang ngậm thức ăn. Đừng ăn ngấu nghiến như thế. Cái đó là con dao, không phải là cây bút. Và nên dùng khăn tay!….”
Dĩ nhiên, cư xử đúng cách không phải là chứng minh bất cứ cái gì. Nó giúp cho ta biết cách làm cho người khác thoải mái khi ở bên cạnh ta. Đó là khả năng nhận biết chính mình trong sự tôn trọng người khác.
Để ảnh hưởng người khác một cách tích cực, bạn không cần phải diện áo quần thật thời trang, không cần phải uống sâm banh bằng cốc pha lê. Việc bạn dọn món súp bên phải hay bên trái không quyết định thành công của một bữa tiệc…
Cách cư xử là một phần của con người. Ở một mặt nào đó, nó chỉ là hình thức nhưng vẫn quan trọng. Nhưng nếu chúng ta quá phóng đại nó thì sẽ bỏ qua những điểm tốt của người khác. Anh ta ăn như ngựa (nhưng anh ta rộng lượng) , cô ta mặc áo thể thao đi dự tiệc (nhưng cô ta kể chuyện rất hay), ly tách không đồng bộ (nhưng nhà họ đầy ắp tiếng cười).
Khi nói đến việc cư xử tế nhị chúng ta không nên chăm bẵm vào những vấn đề bên ngoài. Bạn có bực không khi bạn bảo cô bạn mình kể về ông chủ của cô và cô nói: “Ừm, ông ta cao, tóc nâu, đeo đồng hồ Gucci, có nhà đẹp, sành ăn và ông ta trông giống như…”. Nên bàn đến cái chính yếu là tính cách hay khả năng điều hành của ông ta hơn là những cái hình dạng bên ngoài đó.
Vậy hình thức là gì?
Hình thức là một từ khác của phong cách, và nó càng ít càng tốt. Hãy lấy ví dụ.
Agnes lấy con trai duy nhất của gia đình Schafers và khi ông nội Schafers chết, Agnes được thừa hưởng một gia tài kếch xù. Agnes từ giai cấp trung lưu trở thành một chủ kho báu đầy nữ trang. Người khác thì sẽ bị cám dỗ khoe khoang sự giàu có của mình. Nhưng Agnes hiểu được phong cách là gì và cô thể hiện một phong cách rất đặc biệt. Khi có dịp hội họp nhóm tộc, tất cả nhưng người họ hàng đều đeo đầy nữ trang. Agnes chỉ mặc một chiếc váy thanh lịch và đeo một chuỗi ngọc bích và bông tai cùng kiểu. Ai cũng nghĩ cô sẽ mang trang sức đầy mình giống tiệm cầm đồ nhưng cô không làm thế. Mọi người vì thế đều ngưỡng mộ Agnes.
Phong cách tốt là giản dị chớ không phô trương. Bạn không cần phải thi thố với ai hay chứng minh gì cả.
Chưng diện
Nếu bạn muốn có bạn (và giữ được bạn) thì hãy tế nhị khi chọn áo quần để mặc.
Quy tắc thứ 1: Không quá chưng diện. Không ai thích loại người nay.
Quy tắc thứ hai: Gọn gàng. Chỉ cần gọn gàng là đã gây cảm tình được một nửa. Không quan trọng nếu kiểu áo của bạn đã lỗi thời. Ít nhất bạn phải gọn gàng. Người nào cũng thích sự gọn gàng. Nếu túng thiếu thì cũng có thể chải đầu và đánh giày được. Người ta thường để ý những cái nhỏ.
Quy tắc thứ ba: Hiểu được tình huống. Hãy nhìn vào thư mời và biết ăn mặc gì cho thích hợp với dịp nào đó. Cần thiết thì phải hỏi người tổ chức tiệc. Mặc quần Jean đi dự đám cưới là không thích hợp, mà không nên mặc áo đầm thật lộng lẫy đến nỗi lấn lướt cả cô dâu hay chưng diện bộ vest đắt gấp 5 lần bộ vest của chú rể.
Biết khi nào thì nên rời sân khấu
Phong cách là biết khi nào nên ngồi xuống lại.
Công thể hiện của Rod Fuller bị sang nhượng và Rod nhận được thông báo trước đó một tháng.Là cha của 4 đứa con với một món nợ lớn, tin này là một đòn mạnh giáng vào tình hình tài chính và triển vọng nghề nghiệp của Rod. Anh rất hoang mang.
Thật nực cười, Don, anh trai của Rod lại được thăng chức ngay trong tuần đó. Trong bữa tiệc sinh nhật có cả Don, Rod, gia đình họ và nhiều người hàng xóm đến tham dự, bạn bè đang an ủi Rod. Ngay lúc đó, vợ của Don gọi tất cả mọi người lại nói: “Nào chúng ta hãy uống mừng Don. Hôm nay anh được bổ nhiệm làm Tổng Giám đốc”. Nếu là người biết cách cư xử và khôn ngoan hơn hẳn cô ta đã chọn dịp khác để công bố tin mừng đó.
ĐÚC KẾT: Hiển nhiên là nói năng lễ độ và biết cách cư xử trong bàn ăn sẽ làm cho đời bạn thú vị hơn. Phong cách không chỉ đơn thuần là cách cư xử trong ăn uống. Định nghĩa đúng đắn nhất là bạn không được phá luật, không được vi phạm quy tắc. Nhưg quan trọng hơn là biết suy xét, tôn trọng và làm cho người khác thoải mái.
Nói chung, nên quan tâm đến phong cách và hình thức. Để ý đến cảm xúc của người khác và bạn
sẽ được họ đánh giá cao.
NHỮNG KỲ VỌNG TRONG TÌNH BẠN
Nhớ lại quan hệ trước của mình, người ta thường hay nói với sự thất vọng. “Tôi là bạn thân của cô ta mà cô ta bỏ đi và làm “điều đó””. “Anh ta làm tôi thất vọng”. “Cô ấy chưa bao giờ đối xử bình đẳng với tôi…”
Nếu chúng ta biết mình kỳ vọng gì ở một quan hệ và nếu kỳ vọng đó là hợp lý thì chúng ta sẽ ít thất vọng hơn. Tôi có một người bạn, James, một người rất hay đến trễ và không đáng tin cậy tí nào. Trong một thời gian dài, tôi để cho anh chàng này quấy rầy. Rốt cuộc, tôi hiểu được James là James, khá thú vị nhưng rất nông cạn.
Tôi không có quyền thay đổi anh ta. Tôi phải thay đổi kỳ vọng của tôi về tình bạn. Tôi phải tỏ ra chấp nhận hơn. Anh ta chỉ là người vui vẻ, người nói chuyện hay, khôn lanh, rộng lượng và quan tâm đến mọi cái từ thể thao đến nuôi cá, nhiếp ảnh, xây dựng. Khi nào anh ta đến chơi thì đó là phần thưởng cho tất cả mọi người. Khi tôi thay đỏi kỳ vọng của tôi về cách ứng xử của anh, chúng tôi vui vẻ và ít cãi nhau hơn. (Lần cuối cùng tôi nghe nói là anh ta đang sống trên một hòn đảo nhiệt đới nơi mọi người thường hay đến trễ như anh.)
Hãy nhìn vào quan hệ cha con. Người con nói: “Cha lúc nào cũng coi con như đứa bé. Tại sao cha không đối xử với con như người lớn?” Bởi vì đối với cha (mẹ) của bạn, bạn luôn là một đứa bé. Không có cách nào khác. Cha (mẹ) thì lúc nào cũng già hơn con! Thử kiếm lấy một người còn coi bạn là đứa bé khi bạn đã 50 tuổi xem nào! Chỉ có cha hoặc mẹ của bạn thôi! Nếu hiểu vậy thì bạn sẽ điều chỉnh mong đợi của mình và nó không còn là vấn đề nữa.
Mỗi quan hệ đều khác nhau. Bạn không thể kỳ vọng có quan hệ với chủ của bạn giống như với đồng nghiệp. Bạn có thể không quan hệ với ông kế toán giống như với vị bác sĩ. Những người khác nhau có những giá trị, những kỳ vọng và vị trí khác nhau và về chính những yếu tố này ảnh hưởng đến quan hệ. Cũng phải nhớ những gì chúng ta muốn từ một tình bạn không phải luôn luôn là cái mà bạn ta muốn. Hãy quan sát thật kỹ. Người khác luôn thể hiện những dấu hiệu về điều họ cần hay họ muốn. Nếu họ có mơ hồ thì hãy làm cho họ thể hiện ra . Nói ra lúc nào cũng có lợi cả.
GIỚI HẠN CỦA TÌNH BẠN
Bạn có thể thành thực với bạn của mình, có thể lệ thuộc vào họ, cởi mở với họ. Đúng thế. Nhưng tình bạn cũng phải có những giới hạn.
Chớ lợi dụng tình bạn.
Barry là bạn của bạn, nhưng đừng nghĩ là bạn có thể mượn tiền Barry thường xuyên. Nếu không, anh ta sẽ nghĩ là bạn lợi dụng anh ta và sẽ không làm bạn của bạn nữa.
Hàng xóm một năm giữ giúp con bạn hai lần là đã ngán rồi. Nếu tháng nào hay tuần nào cũng nhờ họ thì đừng ngạc nhiên có lúc nào đó họ không chịu nghe điện thoại khi bạn gọi nữa. Lúc đó thì bạn sẽ nói: “Chuyện gì xảy ra với họ thế nhỉ? Họ vẫn tốt lắm cơ mà !”
Người ta rất thích giúp người khác nhưng không ai thích bị lợi dụng. Tình bạn và sự hỗ trợ là hai điều khác nhau. Bạn cần phải chọn cho đúng kênh.
Chớ xỉ nhục bạn
Thân thiết với ai đó không phải là cái cớ để bạn được phép lăng mạ họ
Glorian nói: “Nếu tôi không thể lăng mạ người bạn tốt nhất của tôi thì ai được phép?” Glrian ạ, không phải chỉ vì cô ta là bạn của cô mà cô ta không biết buồn. Bill nói: “Dĩ nhiên là tôi có thể trêu đùa chiếc mũi to của cô ta. Cô ta là vợ tôi”. SAI!
Mỗi chúng ta đều có cái tôi tế nhị. Tình bạn cần sự nhạy cảm khéo léo, thân thiện là rất tốt. Nhưng chớ có sàm sỡ xúc phạm người ta. Tôi có thể làm bạn của bạn, nhưng nếu tôi cứ chê bai bề ngoài và nghi vấn khả năng của bạn thì bạn sẽ nhanh chóng kiếm bạn khác. Dù có thân thiết đến thế nào, cũng phải có chỗ cho sự tế nhị.

Share this

Có thể bạn quan tâm

Bài Sau
« Prev Post
Bài trước
Next Post »