Đời thay đổi khi chúng ta thay đổi | Tập 2 - Chương 3

9:57:00 AM

Tập 2 - Chương 3

Người khác nghĩ gì về bạn đó không phải là nỗi lo của bạn.


KỲ VỌNG CỦA CHÚNG TA

BẠN CHỊU TRÁCH NHIỆM VỀ VIỆC NGƯỜI KHÁC ĐỐI XỬ VỚI BẠN THẾ NÀO?
     Nếu bạn không thích những gì mình co được thì hãy thay đổi việc bạn đang làm, bạn có quyền chọn lựa cách người khác đối xử với bạn. Thường thì chúng ta đổ lỗi cho người khác. Nếu không hợp tác được với ai hay quan hệ nào của bạn đổ vỡ thì chính bạn cũng phải chịu trách nhiệm. Nếu ai đó đối xử tệ với bạn, bạn cũng có lỗi một nửa.
Hãy xem trường hợp của Helen.Cô bị chồng đối xử không ra gì. Cô than thở: “Tôi là người hầu cho chồng tôi, Brutus. Tôi chỉ nghe theo lệnh của anh ta. Anh ta không bao giờ giúp tôi trong công việc nhà, chúng tôi chỉ đến những nơi mà anh ta muốn. Brutus không bao giờ cho riêng tôi đồng nào. Hắn xem tôi như rác rưởi, chẳng thèm biết đến những việc tôi làm…” Helen là đối tượng quyết theo đến cùng việc mình đã làm. “Tôi đã làm gì để phải chịu thế này?”
Vì thế nếu bạn hỏi Helen: “Tại sao cô không phản ứng lại Brutus?” Helen sẽ nói: “Tôi đã thử một lần nhưng anh ta nổi xung lên và đập phá nhà cửa, vì thế tôi nhận ra là không đáng phải làm thế, tôi cứ làm theo những gì anh ta muốn cho rồi…”
Helen có thể không nhận ra rằng chính cô ta đã làm cho Brutus quen như thế. Tôi có thể cá với bạn, Brutus không ăn hiếp những người khác nhưng ai cho phép thì anh ta sẽ làm như thế. Cho đến nay, Helen đã chọn cái dễ làm nhất – không chịu trách nhiệm, tỏ ra yếu đuối, tắm trong sự thông cảm của bạn bè cô và đổ hết mọi cái cho Brutus, gã phàm phu. Nếu Helen thay đổi cách cư xử với chồng thì có thể thay đổi anh ta.


Helen nên làm gì? Trước hết, cô phải tôn trọng bản thân mình trước. Những người khác chỉ tôn trọng chúng ta khi chúng ta tôn trọng bản thân mình... Khi Brutus cảm thấy Helen đòi hỏi được đối xử tốt thì anh ta sẽ bắt đầu thay đổi thái độ của mình. Những người bị ngược đãi luôn có thái độ: “Tôi cá là anh sẽ xử tệ với tôi – tôi sẽ cho anh làm thế nhưng sẽ đổ lỗi cho anh”.
Helen có nhiều lựa chọn. Cô có thể nói: “Brutus, nếu anh đập phá nhà cửa nữa thì tôi sẽ ra khỏi nhà này trong một tháng”. Anh ta biết rằng kể từ bây giờ trở đi, cô muốn được đối xử như một con người. Cô có thể quyết định không sống với gã đó nữa và ra đi vì quyền lợi của cô.
Trong bất kỳ quan hệ nào hay điệu nhảy nào cũng phải có hai người. Hai bên đều phải chịu trách nhiệm và cả hai bên đều được thưởng phạt tùy theo thái độ của họ. Helen đã chối bỏ trách nhiệm, tránh thực hiện những quyết định khó khăn và đổ lỗi mọi việc cho Brutus. Brutus mặt khác lại có một người vợ – người hầu, sẵn sàng làm mọi cái anh yêu cầu và có chuyện gì thì lỗi cũng tại vợ anh ta.
Cả hai người đều tham gia phát triển và làm tan vỡ mối quan hệ. Dù sao, thật dễ tỏ ra khách quan trong vấn đề của người khác hơn là của mình! Tôi biết một cặp sắp ly hôn. Cô vợ lúc nào cũng ở nhà, đọc tiểu thuyết và ngủ. Cô ta không nấu nướng và chẳng dọn dẹp nhà cửa. Cô tin rằng nên mua thức ăn sẵn để trên bàn khi anh chồng về tới nhà. Nhưng nhiều lần anh về nhà chưa thấy có đồ ăn, anh chồng hét lên và phá tan hoang căn nhà. Anh ta nghĩ rằng mình sống cùng với một kẻ lười biếng, vô tích sự và rằng cô ta 100% sai. Cô ta thì nghĩ anh ta bị tâm thần và tất cả là lỗi tại anh.

Tôi đoán rằng bài học cho chúng ta tại đây là nếu chúng ta nghĩ bạn đời của mình có lỗi thì không hẳn như vậy.
Trong các gia đình bạn sẽ thường thấy đứa con làm chủ. Nó ra lệnh cho bố mẹ: “Bố, lấy vớ cho con…”, “Mẹ, cho con ăn bánh..”, “Bố mẹ, đưa con đi chơi công viên…”
Cha mẹ khổ sở “Sao mình lại phải thế này nhỉ?” Nguyên do là vì họ đã nuông chiều con họ từ nhỏ. Họ dạy cho con họ cư xử với họ như thế – sai họ như đày tớ.
Bạn phải dạy con mình. Nếu một đứa bé 8 tuổi có thể học vi tính thì cũng có thể học rửa chén. Nếu nó đủ thông minh để chơi trượt patin thì cũng phải biết ủi đồ. Hãy dạy cho con biết bạn không phải lúc nào cũng phục vụ cho nó và con cái phải góp sức cùng bố mẹ.
Bạn có bao giờ nghe một bà mẹ nói: “Trong nhà tôi chẳng ai biết nói cảm ơn cả!” Vì sao có chuyện đó? Vì bà mẹ không nói cho chúng biết phải cư xử như thế nào mới phải phép. “Sáu đứa con của tôi lớn lên và lập gia đình. Nhưng chưa bao giờ chúng mở miệng cám ơn cái gì!”
Vậy nếu những năm trước đó bà dạy cho con “Phải biết nói cám ơn để biểu hiện sự tôn trọng và biết ơn. Khi mẹ nấu cho các con ăn, mẹ muốn được nghe một lời cảm ơn. Nếu thứ Năm mà các con quên cám ơn thì thứ Sáu hãy tự nấu lấy mà ăn. Nếu con không cám ơn mẹ vì mẹ đã chở con đi chơi thì lần sau con nên đi bộ” thì có lẽ bây giờ không phải hết lời than thở…”
Đối xử với những người lạm dụng lòng hiếu khách
Bạn có gặp những người cứ đến nhà bạn mà không muốn hay không cần biết khi nào nên ra đi không? Có thể họ ở lại từ 7 giờ tối đến 4 giờ sáng hay từ Giáng sinh cho đến tận ngày đón năm mới.
Chúng ta cần học cách cư xử với những người này mà không phải căng thẳng gì cả – hãy thoải mái khi nói: “Như thế này thật không tiện…”
Tương tự, những người khác có thể có thói quen làm mất thời gian của bạn. Nếu bạn muốn dành thời gian cho họ thì không sao. Nhưng để tránh tình huống phải cố gắng vui vẻ và chuyện trò với ai đó để rồi ghét cay ghét đắng khi họ đi thì đừng nên hy sinh chỉ vì lịch sự.
Một số người sẽ vui vẻ làm cho bạn chán đến chết bằng những câu chuyện triền miên không dứt mà bạn đã nghe cả chục lần. Trừ phi bạn chuyển đổi đề tài hay ít nhất yêu cầu họ rút ngắn lại câu chuyện, nếu không họ sẽ không thương tiếc gì bạn. Rõ ràng, nên tế nhị và thân thiện, nhưng nếu ông bạn hàng xóm cứ cà kê dê ngỗng thì đừng nghe ông ta nữa.
Hãy tôn trọng thời gian của riêng bạn, và mặc dù vẫn lịch sự bạn nói: “Anh bạn hàng xóm à, tôi rất vui khi anh dành thời gian kể chuyện này cho tôi nghe. Có thể anh ngạc nhiên là anh đã kể cho tôi nghe chuyện này” hoặc “Tôi không có thời gian ngay bây giờ, anh có thể nói những điểm chính thôi được không?”
Tương tự với những người hay than phiền và trách móc, bạn không cần phải nghe người ta nói mãi. Hãy phản ứng. Bạn có thể nói: “Tôi không nghĩ cách này tốt cho cả hai chúng ta tí nào. Hãy làm cái gì đó có tính cách xây dựng hơn để giải quyết vấn đề”.
Một số người thích được làm cho bạn cảm thấy có lỗi. “Anh làm tôi thất vọng…” “Sau tất cả những gì tôi đã làm cho anh…” Đừng có nghe họ. Cảm giác có lỗi sẽ làm hại bạn. Hãy hướng sự chú ý của họ vào trọng tâm vấn đề và hỏi thẳng họ “Anh đang cố làm cho tôi cảm thấy có lỗi, phải không?” Thường thì họ sẽ hiểu ra và bỏ đi.

ĐÚC KẾT: Nếu người ta không tôn trọng bạn, chiếm dụng thời gian của bạn hay đối xử tệ với bạn. “Tôi đang làm gì để khuyến khích họ đối xử với tôi như thế?” Nếu bạn muốn họ thay đổi thì bạn phải thay đổi.

PHÁT BIỂU QUAN ĐIỂM CỦA BẠN
NẾU BẠN ĐỂ CHO MÌNH BỊ ĐỐI XỬ TỆ BẠC BỞI NHỮNG NGƯỜI BẠN YÊU THƯƠNG THÌ KẾT CỤC LÀ BẠN SẼ GHÉT HỌ.
Khi nào thì bạn nên vạch rõ giới hạn giữa sự kiên quyết và thói hay gây gổ? Khi nào thì chúng ta đang phản đối, còn khi nào là chống đối?
Rõ ràng phải hiểu rõ ranh giới này, và bạn phải đòi được đối xử công bằng cho bản thân mình và cho những người mình yêu thương. Nếu chúng ta chỉ coi đó là vấn đề của riêng chúng ta thì chúng ta sẽ thành nạn nhân và sẽ gặp nhiều rắc rối hơn.
Con người thường nhân danh “quyền” của họ. John nói: “Tôi có quyền được đối xử công bằng, được phục vụ tốt và được tôn trọng!” Nhưng không phải đây là cái quyền. Đây là vấn đề cư xử của bạn để được đối xử như bạn muốn.
Các quy luật tự nhiên không dính dáng đến những quyền nào đó. Chúng không quy định một người thợ sửa ống nước phải tính bạn bao nhiêu khi thay bồn rửa trong phòng tắm nhà bạn. Nó cũng không biết được ở mức độ nào thì những hành vi thô lỗ của nhân viên ngân hàng có thể ảnh hưởng đến bạn, hay tác động bằng cách này hay cách khác đến quyết định của ông chủ trong việc tăng lương của bạn…
Nhiệm vụ của bạn là quyết định một cách đơn giản điều gì tốt cho bạn và rồi bạn hành động. Nếu bạn muốn khiển trách một người bồi bàn vì đã làm rơi kính của anh ta vào món súp của bạn thì cũng được. Mà nếu bạn không muốn động đậy gì thì cũng chẳng sao.
Không có quy luật nào được viết trên bầu trời nói rằng bạn không được phàn nàn về những người lái xe taxi bất lịch sự, hay về việc chồng bạn chọn chương trình truyền hình như thế nào.
Khi tỏ ra kiên quyết, những hướng dẫn sau sẽ giúp bạn đạt được kết quả:
a) Khách quan: Khi bạn phàn nàn về một tình huống nào đó, đừng thổi phồng nó lên hay bắt đầu trách cứ. Ví dụ khi ai đó hút thuốc gần bạn trong máy bay thì bạn nên nhận xét: “Khói thuốc của ông thổi vào mặt tôi khi tôi đang ăn, Xin ông vui lòng đừng hút được không ạ?” Cách này sẽ hiệu quả hơn là bảo: “Ông dẹp quách điếu thuốc của ông đi cho!”
Chúng ta thường hay dùng “Không bao giờ” hoặc “Lúc nào cũng“. Ví dụ: “lúc nào anh cũng đến muộn”. Hay “Anh chẳng bao giờ nghe em nói”. Kiểu thổi phồng này xúc phạm người khác.
Tương tự, chúng ta cần công bằng và chính xác trong ý kiến của mình- “Khói thuốc của ông làm tôi nghẹt thở” cũng là một sự nói quá.
b) Chịu trách nhiệm về cảm xúc của mình. “Anh ăn món mỳ sao nghe ồn quá, tôi không thoải mái được. Tôi thấy ngại vì những người khác trong nhà hàng cứ nhìn anh chằm chằm” thay vì “Anh làm tôi phát bệnh. Ước gì có ai tống khứ anh đi chỗ khác!”.
Phải chọn phản ứng của bạn đúng mực chứ đừng đổ lỗi cho người khác.
Dùng những cụm từ như: “Tôi cảm thấy khó chịu”, “tôi thấy…” thay vì “anh làm tôi phát bệnh”, hay “anh thật tởm…”
c) Hãy rõ ràng về điều bạn muốn. Ví dụ: “Tôi muốn gặp ngay ông quản lý của nhà hàng này”, hay “Trước khi thanh toán, tôi muốn có chứng từ chi tiết về vật liệu nhân công”. Hãy nói CHO cụ thể với người khác. Kiểu nói mơ hồ như: “Hãy sáng suốt một chút”, “Học lấy vài điều!” “Đừng bòn rút của tao nữa!” không giúp ích gì.
d) Nói rõ hậu quả. Chẳng hạn, khi ông hàng xóm mở nhạc om xòm, bạn có thể nói: “Nếu ông giảm bớt tiếng nhạc thì lần tới khi tôi tổ chức tiệc, tôi cũng sẽ làm thế!”
Hãy nói rõ lợi ích của cả hai phía khi cả hai cùng hành động đúng. Hãy dùng lối nói tích cực chứ đừng nói cái tiêu cực. Bạn cũng nên nói mình sẽ nỗ lực về phía mình nếu họ cố gắng.
Nếu chúng ta muốn được đối xử công bằng thì phải đối xử với mọi người bằng sự tôn trọng. Chúng ta gặt được những gì mình gieo trong cuộc đời. Cho đi cái gì thì nhận lại cái đó. Nếu ông hàng xóm cứ mở hết cỡ dàn máy hi-fi của mình làm cho bạn mất ngủ nhiều đêm thì bạn nên nói cho ông ta biết. Nhưng ông ta có nghe bạn nói hay không thì tùy thuộc vào cách nói của bạn…
Tóm lại khi phát biểu quan điểm của mình thì đừng bắt đầu bằng lời xin lỗi như: “Tôi xin lỗi đã làm phiền bạn nhưng bạn đang giẫm lên chân tôi”. Xin lỗi làm cho người khác nghĩ là bạn hèn nhát.
Không cần phải xin lỗi, chỉ cần nói cho người ta biết điều họ cần biết.
Tương tự, sẽ có cơ may đạt được nhiều kết quả hơn nếu bạn xử lý mỗi lần chỉ một vấn đề. Cái này rất cơ bản nhưng chúng ta thường bỏ quên. Ví dụ, “Đừng ăn nhiều thế, thôi rền rĩ đi và nghiêm chỉnh lại một chút, kiếm việc mà làm hay làm giúp việc nhà với”. Như thế là quá nhiều và không ai chịu nhượng bộ cả. Việc nào cần thì nói trước rồi lần khác sẽ bàn đến cái tiếp theo.
Đôi khi bạn bị phản đối và bị người khác phủi đi bằng những câu quen thuộc như:
“Lâu nay đâu có ai nói vậy!”
“Sao anh nhỏ mọn quá vậy?”
“Tôi không có thì giờ để nghe lúc này!”
Bạn cần phải biết cách phản ứng, chẳng hạn như:
“Tôi nói lúc này vì tôi cho nó là quan trọng”.
“Tôi không cho là mình nhỏ mọn…”
“Nói cho tôi nghe khi nào anh rảnh để nói chuyện?”

ĐÚC KẾT: Khi bạn phát biểu quan điểm của mình bạn nên khác quan. Chỉ nên ói abnj cảm thấy thế nào, chính xác là về cái gì chứ đừng buộc tội hay nói chung chung. Bạn sẽ đạt được hoặc không đạt được điều gì mình muốn. Nhưng khi bạn thắng tức là bạn đã kiểm soát được tình hình và có được cái bạn muốn. Khi bạn thua thì bạn cũng thấy dễ chịu hơn vì đã bộc lộc được cảm xúc của mình.
Nhưng hãy linh động
Học được cách nói “không” rồi thì bạn nên nhớ là có lúc bạn phải trả giá cho việc phản đối người khác – vì phải xáo trộn kế hoạch của họ.
Một việc làm gián đoạn lịch biểu dày đặc của chúng ta đôi khi thật sự cho phép chúng ta được nghỉ ngơi một cách cần thiết.. Nhưng hãy chuẩn bị. Phải nghĩ kỹ trước khi nói “không, xin cám ơn”.

HÃY ĐỂ MỌI NGƯỜI TỰ DO SUY NGHĨ

Đừng quá quan tâm đến cái mà người khác nghĩ về bạn.
Tôi thường quan tâm đến hầu hết mọi chuyện. Nếu tôi đi ra đường và gặp người ăn xin, tôi cho họ tiền . Nếu một phụ nữ điện thoại cho tôi, yêu cầu tôi mua ba cái khăn uống trà với giá 30 đô la, tôi sẽ mua ngay. Khi người ta đến văn phòng tôi để bán đậu, tôi nghĩ “Chà, tuyệt quá!” và mua ba bao. Rốt cuộc, tôi tự hỏi : “mình đang làm với lý do gì đây nhỉ?” và tôi nhận ra là chảng có lý do gì cả! Có thể cho các tổ chức từ thiện là việc làm danh dự nhưng nó không thể hiện sự rộng lượng. Có thể tôi cho chỉ vì tôi lo là người khác sẽ nghĩ là tôi bủn xỉn nếu tôi không cho.
Tôi rất thường lo lắng về điều người khác nghĩ thay vì để xem ý mình muốn gì. Tôi không bao giờ trả lại thức ăn trong nhà hàng, không yêu cầu hàng xóm vặn tiếng nhạc xuống bớt, hiếm khi trả lại hàng hóa bị hỏng. Tôi cho là mình thân thiện nhưng như thế thật sự là ngu ngốc…
Nguồn gốc của nhu cầu được công nhận
Khi còn là trẻ con, chúng ta khao khát được bố mẹ công nhận. “Nhìn con xem, con có thông minh không?” “Mẹ có thật sự thích món quà của con không ?” “Bố có tự hào về con không ?”
Khi chúng ta tới trường, chúng ta cũng cần được công nhận. Khi thầy giáo tán dường hành vi của ta, ta được điểm tốt. Ngược lại, chúng ta sẽ gặp khó khăn. Có thể chúng ta được phép khác nhau một chút về thành tích học tập, nhưng phần lớn chúng ta lệ thuộc vào sự công nhận của người khác về thành công của mình.
Đến vị thành niên thì chúng ta vẫn tiếp tục theo nguyên tắc xin phép – “Con có được làm điều này không?” “Con có thể làm việc đó không?” Những đòi hỏi mà chúng ta tuân theo có nguồn gốc khác nhau. Nhiều tổ chức và các câu lạc bộ có quy tắc hà khắc áp đặt cho các thành viên của nó. “Thành viên câu lạc bộ bị nghiêm cấm..” Truyền hình thì nhai đi nhai lại những cẩm nang “Bạn nên dùng đúng chất khử mùi , lái đúng loại xe và làm cho hơi thở thơm tho bằng Clear-o- smell, nếu không sẽ chẳng ai thích bạn.”
Đến lúc trưởng thành, ta càng hay bị ràng buộc vào việc đạt được sự công nhận của người khác. Nhưng chúng ta hoặc là a) Có được sự bình an trong tâm hồn, hoặc là b) Lo lắng đến những gì người khác nghĩ về bạn. Chúng ta không thể làm cả hai việc.
Lo lắng đến những gì người khác nghĩ về chúng ta là một thói quen khó bỏ, nhưng kết quả sẽ rất bi thảm nếu chúng ta không từ bỏ nó. Những người nhạy cảm chấp nhận làm công việc mà họ ghét cả đời với lý do: “Mọi người sẽ nói gì nếu ta bỏ chỗ làm an toàn này?” Mấy bà mẹ thì nói với con: “Con trẻ học đại học chỉ để làm vừa lòng bố mẹ…” “Tôi ghét ngành học này nhưng nếu tôi bỏ thì cha mẹ tôi sẽ chết mất.”
Thật đáng buồn, bởi vì kinh nghiệm và thành tích lớn nhất của chúng ta thường xuất phát từ việc bước ra khỏi những thói quen tầm thường và làm những gì số đông không làm.
Bạn có lo lắng về những gì người khác nghĩ về bạn không?
Hãy tự hỏi bạn:
“Lần cuối cùng ta bị người khác đối xử tệ là khi nào?”
“Ta đã có bao giờ chấp nhận lời mời bởi vì ta lo lắng về việc người khác sẽ bàn tán ta nói không”
Nếu bạn còn độc thân “Tôi có bao giờ để ý một người tôi thích mà lại không mời họ đi chơi được không?”
“Tôi có thích thương lượng với người khác để đạt được cái ta muốn không? Nếu có thì tại sao, nếu không thì tại sao?”
“Ta có bao giờ mua cái gì ta không thích mà mua vì áp lực của người bán không?”
“Nếu ta không quan tâm đến việc người khác nghĩ gì thi ta có làm cái công việc này không?”
Bạn không thể làm hài lòng tất cả mọi người. Nếu bạn sợ ai đó sẽ nghĩ là bạn ngu ngốc thì hãy thư giãn. Có thể họ đã nghĩ như thế rồi.
Bạn bè, gia đình, đồng nghiệp rõ ràng đáng cho bạn yêu thương quan tâm. Nhưng nếu bạn cố làm hài lòng tất cả mọi người tức là bạn không thật lòng với ai cả, ít nhất là với chính bạn.
Lúc 4 tuổi, việc làm hài lòng mọi người rất quan trọng. Nếu người khác thích bạn thì mới cho bạn cái bạn muốn. Nhưng mọi việc sẽ thay đổi. khi bạn 45 tuổi thì bạn cần làm một người hiệu quả. Bạn không nhất thiết phải làm vừa lòng tất cả mọi người. Thật ra, không phải là không cần mà nếu bạn cứ làm thế thì bạn vẫn chỉ là đứa trẻ 4 tuổi.
ĐÚC KẾT: Khi tôn trọng người khác, hãy thành thực với chính mình. Nếu người khác không đồng ý với lối sống hay quan điểm của bạn thì mặc kệ họ, đó không phải là việc bạn phải lo. Vấn đề là bạn có yên tâm với lối sống và quan điểm của chính mình?

HÃY NGƯNG GIẢI THÍCH VỀ CUỘC ĐỜI BẠN
Hãy tự hỏi: Bạn có thấy mình thường phải thanh minh cho hành động của mình không? Bạn có luôn giải thích về mình với mọi người không?
Nếu bạn để ý những người tự tin và quả quyết, bạn sẽ thấy họ không phải giải thích nhiều về mình. Họ chỉ làm điều họ cần làm.
Khi còn nhỏ, chúng ta không tránh được việc này. Chúng ta phải giải thích cho bố mẹ, thầy giáo thường là để tránh bị phạt hay rắc rối. Nhưng nếu chúng ta muốn là những người lớn hạnh phúc thì phải suy nghĩ và hành động độc lập hơn – nên thoải mái về việc không phải giải thích với gia đình, bạn bè và hàng xóm về bất kỳ việc làm nào của chúng ta.
Dĩ nhiên, đôi khi cần phải giải thích với ông chủ hay với người bạn đời. Nếu ai đó trả lương cho bạn thì họ có quyền biết bạn đang làm gì và tại sao. Trong việc xây dựng quan hệ với bạn đời thì bạn sẽ muốn chia sẻ những ý kiến và lý do. Ngoài những người này ra bạn sẽ thấy một số người có thói quen hỏi những việc không liên quan gì đến họ.
Khi hàng xóm hỏi: “Tại sao anh bán nhà” có thể bạn nên nói: “Tôi muốn vậy!” chứ đừng tuôn ra hàng tràng xu hướng của thị trường và tình hình tài chính của bạn.
Bạn không cần phải bí mật đối với người khác. Nhưng chỉ vì người ta hỏi mà bạn phải trả lời cho có ngọn ngành thì quả là bạn luôn muốn làm vừa lòng người khác.
Nếu người bán xe hơi trong vùng mời bạn đến dự triển lãm và bạn từ chối và không cần phải giải thích gì thêm. Anh ta nói: “Hãy đến xem những model mới nhất, anh sẽ sững sờ đấy,”. Bạn nói:
“Không, cám ơn anh”.
“Tại sao không?”
“Tôi có việc khác phải làm. Cám ơn anh đã gọi”.
“Nhưng mấy chiếc xe này độc đáo lắm. Anh không muốn xem à?”
“Tôi cám ơn anh đã nghĩ đến tôi nhưng không là không!”. Hết.
Bạn không nên cố thanh minh và giả thích cho người nào đó nếu dố không phải là việc của họ. Họ có quyền hỏi, nhưng bạn cũng có quyền chọn lựa trả lời cặn kẽ hay không.
Nếu anh rể bạn hỏi: “Sao cậu bỏ việc này vậy?”. Bạn hãy cười và nói: “Tôi cảm thấy thích”.
Hàng xóm hỏi: “Sao anh phải tập thể dục 6 lần một tuần?” Bạn nên nói: “Vì tôi muốn khỏe”.
Ai đó hỏi: “Anh có ủng hộ cho đợt kêu gọi hãy cứu loài sơn dương đang tuyệt chủng không?” Bạn nói: “Không”. Chẳng cần phải nói: “Hôm nay tôi không có tiền” hay “Tuần trước tôi có cho rồi”. Bạn chỉ nên nói “không”. Không cần giải thích.
Đôi khi người khác yều cầu bạn giải thích về chính bạn. Họ nói: “Nhưng tôi không hiểu!” Lúc đó bạn hãy nói: “Không sao”.
“Nhưng tôi thật sự không hiểu!”
Và bạn nói: “Anh không cần phải hiểu”.
Vậy là họ tức điên lên yêu cầu bạn giải thích làm sao bạn lại có thể làm cái việc vô nghĩa như thế với họ: “Nhưng tại sao? Làm sao anh lại…”
“Tôi muốn thế”.
Dì Rose mời bạn đến uống trà. Bạn nói: “Cám ơn dì đã nghĩ đến con nhưng chúng con có nhiều việc quá”.
“Chị con cũng đến mà”.
“Vâng, và chị con nói bánh của dì thật là tuyệt”.
“Nhưng con không đến à?”
“Con xin khất lần này dì ạ”.
“Con chỉ đến một lúc thôi không được sao?”
“Dì Rose, con thật sự cảm ơn dì nhưng chúng con xin hẹn lần khác”.
Với gia đình và bạn bè thì bạn nên nhớ là khi đã gọi bạn, họ sẽ nài nỉ. Họ muốn làm cái gì đó cho bạn và với bạn, họ nghĩ đến bạn. Đó không phải là sự làm phiền. Vì thế với gia đình và bạn bè thì bạn nên từ chối nhẹ nhàng hơn.
Chúng ta có thể nói rằng “không” bằng nhiều cách. Người khác sẽ hiểu được ý bạn, dù cho họ có tò mò đến thế nào, bạn cứ nói: “Đừng lo cho mẹ chồng tôi/ xe hơi tôi/ công việc của tôi. Hãy nhìn những bông hoa kia. Chúng mới tuyệt làm sao?”
Những câu hỏi sau đây bạn không cần phải trả lời:
1. “Tại sao anh không bao giờ thăm mẹ vợ anh?”
2. “Tại sao anh thận trọng quá vậy đối với tiền bạc? Tiền là để xài mà”
3. “Sao anh phung phí tiền bạc quá vậy? Hãy nghĩ đến những ngày mưa gió”
4. “Sao anh không hẹn hò với Chuck?”
5. “Sao anh không mua cho mình một chiếc xe mới?”
6. “Sao anh cứ bán xe hoài vậy?”
7. “Sao anh lại mua cái đó?”
8. “Anh có bao giờ tiếc là đã cưới Daisy không?”
9. “Tại sao bạn đi chơi với cô ta?”
10. “Bạn chỉ làm có thế thôi sao?”
Hãy tự do sống cuộc đời của bạn, hãy làm theo khả năng và hiểu biết cảu bạn. Bạn không cần phải giải thích cả cuộc đời của bạn cho ai đó nghe. Bạn không nên thô lỗ nhưng cần phải kiểm soát cuộc sống của mình. Đừng trở thành nạn nhân.
Chúng ta không phải lúc nào cũng có lý do gì đó để làm những việc nào đó như tắm, hát trong phòng tắm, nghỉ ngơi một ngày trên giường. Đừng có luôn kiếm cho lý do thật đúng mới làm việc đó – đó là việc của bạn mà.

ĐÚC KẾT
Hãy tự quyết định việc của mình. Đừng có xíc phạm người khác, nhưng nên trung thực với chính mình. Nếu bản giải thích về việc của mình thì hãy làm vậy khi bạn muốn chia sẻ suy nghĩ của bạn với ai đó nhưng đừng làm điều đó chỉ vì bạn cần họ đồng ý với bạn. Chỉ cần bạn cho phép mình là đủ, không cần người khác phải công nhận.
KHI BẠN MUỐN NÓI “KHÔNG”
Nhiều lúc nói “không” không phải là dễ. Bạn có thấy mình thường nhận một lời mời, mua một món hàng, tham gia một hiệp hội hay cho ai đó mượn tiền chỉ vì bạn không thể nói “không” không? Vì sức khỏe và hạnh phúc của bạn, hãy học nói “không” khi có thể và đừng cảm thấy có lỗiChúng ta hạnh phúc ở mức độ mà chúng ta tin là mình kiểm soát được hoàn cảnh của mình, và kiểm soát được cuộc sống của mình thường có nghĩa là nói “không”. (Chúng ta nên hiểu là khi người khác nói “không” thì họ cũng có lý do của họ).
Cơ chế của cảm xúc có lỗi
Tại sao nói “không” lại khó như vậy? Đôi khi chúng ta sợ nếu mình bày tỏ quan điểm của mình thì người khác không thích mình. Đôi khi chúng ta tự cho phép mình cảm thấy có lỗi (với sự khuyến khích của người khác), và khi chúng ta cảm thấy như thế thì họ lại cho là chúng ta đã làm tất cả để không có cảm xúc này.
Hãy nhìn vào nhưng ví dụ đơn giản này để biết người khác khuyến khích bạn cảm thấy có lỗi như thế nào.
Người mẹ nói: “Mẹ cảm thấy muốn bệnh cả buổi sáng hôm nay. Con có vui lòng ngừng làm việc để đi siêu thị cho mẹ không?” (Thông điệp: Mẹ bệnh vì thế nếu con không làm điều mẹ muốn thì con thật là người vô tình)
Người bạn trai nói: “Nếu em thật sự yêu anh thì hãy ngủ với anh”. (Thông điệp: Nếu em không làm điều anh muốn, em làm tổn thương tình cảm của tôi – vì thế em phải cảm thấy có lỗi).
Ông chủ nói: “Tôi sẽ làm việc đến 10 giờ tối nay, tôi cần cậu ở lại trễ”. (Thông điệp: Tôi đã quyết định làm việc hết sức vì thế cậu nên làm tương tự.)
Một người bạn cũ nói: “Anh phải đến uống bia với chúng tôi, chúng ta là bạn cũ mà”. (Thông điệp: Nếu bạn không làm điều tôi muốn thì bạn không phải là bạn tốt.)
Một thợ cơ khí nói: “Chúng tôi đã sửa xe ông cả mấy ngày đêm. Chúng tôi đã làm hết sức, ông không thể yêu cầu nhiều hơn”. (Thông điệp: Đừng có vô lý và mong chúng tôi làm xong việc này. Hãy trả chúng tôi 2000 đô la và kéo xe đi.)
Trong những tình huống trên, những người khác nhau yêu cầu hay giải thích là bạn “nên” làm gì. Họ quyết định cái gì là đúng về mặt đạo đức.. “nếu anh là người tốt thì anh phải làm điều tôi muốn mà không phàn nàn gì cả!”.

Hãy chọn phán xét của chính mình
Cách duy nhất bạn có thể thoát khỏi cảm giác có lỗi do người khác gây ra là có phán xét của riêng bạn. Đừng lệ thuộc vào nhận xét đúng sai của họ, hãy quyết định theo cách của mình và sẵn sàng nói lên điều đó. Như vậy bạn có thể nói với mẹ mình: “Mẹ, chút nữa con đi mua hàng được không? Việc con đang làm rất quan trọng” . Hoặc nói với bạn trai: “Em rất vui khi biết anh thích em nhưng quan điểm của em là…”
Một số người rất thích nài nỉ… Khi bạn nói “không”.
Họ nói: “Tại sao không?”
Bạn nói: “Tôi không muốn”.
Họ nói: “Tại sao không?”
Bạn nói: “Tôi còn nhiều việc khác phải làm”.
Họ nói: “Thế còn tình bạn của chúng ta?”
Bạn nói: “Cái đó chẳng can hệ gì đến tình bạn của chúng ta”.
Họ nói: “Nếu anh không đi tức là anh không quan tâm…”
Và cuối cùng bạn nói: “Được rồi, để tôi làm”. (Cảm giác có lỗi lại thắng bạn nữa rồi)
Nhiều người bán hàng biết cách tận dụng cơ chế này. Một người bán hàng đến cửa nhà bạn bắt chuyện với bạn.
Người bán hàng: “Ông cho tôi một phút được không?”
Bạn: “Để làm gì?”
Người bán hàng: “Tôi đang thực hiện một cuộc khảo sát. Tôi mong ông giúp đỡ.”
Bạn: “Về đề tài gì?”
Người bán hàng: “Giáo dục”
Bạn: “Anh không cố bán cái gì đó chứ?”
Người bán hàng: “Không hoàn toàn như vậy”.
Bạn: “Vậy 20 quyển từ điển từ A đến Z anh đang kẹp dưới nách là gì?”
Người bán hàng: “À, sách ấy mà”.
Bạn: “Sao giống bách khoa toàn thư quá vậy?”
Người bán hàng: “Giống lắm sao, thưa ông?”
Bạn: “Trước khi anh nói tiếp tôi không muốn mua quyển bách khoa toàn thư nào cả”.
Người bán hàng: “Được, tôi có thể hỏi ông một câu hỏi được không?”
Bạn: “Ừm, được”.
Người bán hàng: “Ông có con không?”
Bạn: “Hai đứa”.
Người bán hàng: “Ông có quan tâm đến việc học của chúng không?”
Bạn: “Ừm… có”. (Vậy là bạn đã trả lời hai câu hỏi)
Người bán hàng: “Chắc ông sẽ thích chúng được hưởng những lợi ích ông chưa từng có?”
Bạn: “Tôi cho là vậy!”
Người bán hàng: “Ông có hy vọng chúng sẽ thành công trong cuộc sống?”
Bạn: “Vâng”.
Người bán hàng: “Vậy ông tha thiết muốn giúp chúng trong việc học?”
Bạn: “Ừm, đúng vậy nhưng…”
Người bán hàng: “Vậy là ông thật sự quan tâm đến những đứa con của mình?”
(Thông điệp: “Nếu ông thật sự quan tâm đến những đứa con của mình thì nên dùng tiền của ông để dành mua vài cuốn bách khoa toàn thư cho con”.)
15 phút sau.
Người bán hàng: “Ông không phải lo, bây giờ ông là người sở hữu đáng tự hào của bộ 26 cuốn bách khoa toàn thư về vũ trụ – và thật may mắn cho ông, tôi có nguyên một bộ đây!”
Bạn mua mớ sách bạn chẳng cần hết hai ngàn đô la và tự hỏi cái quỷ gì đã khiến bạn mua chúng.
Để có được cái bạn muốn, bạn phải kiên quyết hơn với người khác. Nếu họ hỏi bạn 4 lần thì bạn phải sẵn sàng nói “không” 5 lần. Nếu họ hỏi bạn 10 lần thì nói “không” 11 lần.
Hãy nói rõ điều bạn muốn và không bị đánh lạc hướng. Đừng bị dụ dỗ, đừng trả lời câu hỏi, chỉ nói điều bạn muốn.
Đây là cách bạn nên áp dụng cho người bán hàng ở trên:
Bạn: “Anh không bán cái gì chứ?”
Người bán hàng: “Không hoàn toàn như vậy”.
Bạn: “Anh bán những quyển bách khoa toàn thư à?”
Người bán hàng: “Dạ.. đúng vậy””
Bạn: “Trước khi anh nói tiếp, tôi không muốn mua quyển bách khoa toàn thư nào cả“.
Người bán hàng: “Tôi có thể hỏi ông một câu được không?”
Bạn: “tôi không muốn mua quyển bách khoa toàn thư nào cả“.
Người bán hàng: “Ông có vẻ quan tâm đến các sự kiện thế giới”.
Bạn: “Có thể là như vậy và tôi không muốn mua quyển bách khoa toàn thư nào cả“.
Người bán hàng: “Ông có con không?”
Bạn: “Hai. Tôi không muốn mua quyển bách khoa toàn thư nào cả“.
Người bán hàng: “Nhưng làm sao ông có thể nói “không” khi ông chưa hề xem sách của tôi? Có thể ông sẽ mua giá hời đấy!”
Bạn: “Có thể ông nói đúng nhưng tôi không muốn mua quyển bách khoa toàn thư nào cả“.
Người bán hàng: “Đây là những quyển bách khoa toàn thư trị giá nhất trên thị trường ngày nay. Chỉ mất 2 phút để…”
Bạn: “Tôi biết anh cho là chúng rất giá trị và chỉ mất 2 phút để xem qua nhưngtôi không muốn mua quyển bách khoa toàn thư nào cả“.
Người bán hàng: “Tuần này tôi gặp chuyện xui xẻo”
Bạn: “Có thể là vậy nhưng tôi không muốn mua quyển bách khoa toàn thư nào cả“.
Người bán hàng: “Ông cũng không thèm quan tâm là 17 đứa con của tôi chết đói sao?”
Bạn: “Tôi chỉ muốn nói là tôi không muốn mua quyển bách khoa toàn thư nào cả“.
Có thể bạn nghĩ ra cách khác để xử lý người bán hàng tại nhà này, chẳng hạn đóng cửa lại. Tuy nhiên trên đây là giải pháp có giá trị cho nhiều tình huống khi bạn bị hỏi lòng vòng. Có thể thực hành với đối tượng này trước và bạn hoàn thiện dần cho những lúc không thể dùng giải pháp đơn giản là đóng sầm cửa lại.
Khi sử dụng ký thuật trên hãy nhớ những điều sau:
a) Đừng có hồi hộp quá. Giữ cho giọng nói bình tĩnh, mềm mỏng nhưng dứt khoát.
b) Mục đích của bạn không phải là xúc phạm người khác. Nếu không muốn gây phiền toái thì chỗ nào có thể, bạn nên đồng ý với họ, chẳng hạn “Tôi đồng ý là giá rất tốt… Có thể tôi có vẻ không quan tâm… nhưng tôi không muốn mua quyển bách khoa toàn thư nào cả“.
c) Dùng hoài một câu nói. Tác dụng của câu nói sẽ mạnh hơn nếu bạn lặp đi lặp lại mỗi khi bạn trả lời họ.
d) Kiên quyết. Khi bạn muốn dùng chiến lược này tức là bạn có thể xem đó như một trò chơi và phải chơi cho thắng.
Đáp lại ước muốn làm cho bạn cảm thấy có lỗi với những câu hỏi
Khi kỹ thuật trên không thích hợp thì có thể dùng một trong hai câu hỏi sau để cho người kia biết là không dể dụ bạn:
Một người quen nói: “Nếu anh là bạn tốt thì hãy cho tôi mượn 1000 đô la”.
Câu hỏi. “Tại sao một người bạn cần cho anh mượn 1000 đô la?”
“Vì tôi cần nó”.
Câu hỏi. “Tôi chắc là anh cần. Nhưng ý anh muốn nói tôi sẽ không phải là bạn anh nếu tôi không cho anh mượn tiền chứ gì?”
“Ừm, … không”.
“Tôi chỉ muốn nói rõ chuyện này, tôi luôn là bạn anh, nhưng tôi không có 1000 đô la ngay bây giờ”.
Kỹ thuật kỷ lục bị phá vỡ  và đặt câu hỏi rất có ích trước hết vì nó làm cho bạn cảm thấy tự tin dù trong những tình huống trên, ban đầu bạn thường cảm thấy căng thẳng và khó kiểm soát. Để nói: “Không” cho thành công thì bạn phải có quan điểm khác hẳn và không cảm thấy có lỗi vì đã làm như thế.
Có thể là thỉnh thoảng người khác sẽ tìm cách ảnh hưởng hành vi của bạn bằng cách làm cho bạn cảm thấy có lỗi, và họ thì không cảm thấy như vậy – họ chỉ đơn giản yêu cầu bạn và thử thách của bạn là làm sao thoải mái để nói cho người khác điều bạn muốn.
Không dễ tỏ ra kiên quyết mà không có vẻ ích kỷ, và người khác sẽ cho rằng bạn ích kỷ, trong khi bạn thì cho rằng mình kiên quyết.

ĐÚC KẾT: Hãy chọ phán xét của mình chừng nào bạn thấy như thế là công bằng và đừng để cho người khác làm bạn cảm thấy có lỗi cả tuần hay cả năm sau đó dựa trên nhận định của họ về cái đúng cái sai. Bạn phải học cách nói “không”. Một khi làm được điều này mà không cảm thấy có lỗi, bạn sẽ kiểm soát được đời mình nhiều hơn và sống hạnh phúc hơn với người khác cũng như với chính mình.



Share this

Có thể bạn quan tâm

Bài Sau
« Prev Post
Bài trước
Next Post »