Đời thay đổi khi chúng ta thay đổi | Tập 2 - Chương 4

9:58:00 AM

Đời thay đổi khi chúng ta thay đổi | Tập 2 - Chương 4 

Hãy nhớ là con người thích người khác tôn trọng kỳ vọng vào sức mạnh của họ. Họ cũng cần không gian riêng.

GIÁ TRỊ CỦA LỜI KHEN
Tất cả chúng ta đều cần lời khen và sự công nhận. Nghiên cứu tại nơi làm việc cho thấy nhu cầu về tiền bạc ở hàng thứ yếu trong nhu cầu của người làm việc. Những nhu cầu như “được công ty công nhận”, “khen ngợi khi làm được việc”, “được đóng góp cho công ty” là những nhu cầu trên cả tiền bạc.
Ngay cả người giàu có và nổi tiếng cũng muốn được người khác cho là mình đẹp và giỏi. Hãy theo dõi những cuộc phỏng vấn của các ngôi sao điện ảnh, thể thao, nhưng ông trùm kinh doanh thì bạn sẽ thấy họ cũng háo hức muốn được khen chẳng khác gì người bình thường.
Hãy tự hỏi mình: “Tôi có được người ta thường xuyên cho là đẹp, thông minh, duyên dáng, tài năng như tôi thường thích không?” Câu trả lời luôn là “không”. Tất cả mọi người trên hành tinh này đều như thế. Không bao giờ chúng ta thấy đủ.
Bạn tôi, Peter đem xe đến một tiệm sửa xe. Khi de xe và gara, anh ta cứ nài nỉ đòi gặp ông chủ tiệm. Người chủ tiệm đến, tưởng mình đã làm cái gì sai, nhưng Peter nói: “Tôi muốn gặp để nói riêng với ông là tôi chưa bao giờ thấy một tiệm sửa xe đẹp như thế này. Thật sạch sẽ và có tổ chức. Tôi thích đến đây và ông thật sự nên tự hào”.
Ông chủ tiệm hết sức vui sướng. Ông ta để hết tâm huyết và công sức vào cái tiệm này mà chưa bao giờ được nghe ai khen nó đẹp.
Có thể đôi lúc người được khen bối rối và lúng túng, nhưng trong lòng họ thấy sung sướng. Tôi rất tiếc là ít phụ nữ được lời khen quá. Thường khi tôi bảo họ: “Cô có khuôn mặt thật đep”, hay “Có ai khen cặp mắt của cô bao giờ chưa?”, họ nhìn tôi không tin. Ai cũng nghĩ: “Phụ nữ nào chả biết mình đẹp” nên cuối cùng chẳng ai khen họ cả.
Tại sai lời khen luôn có tác dụng
Ngoài mặt thì những người khác có thể rất tự tin, hạnh phúc nhưng bên trong thì không phải lúc nào họ cũng cảm thấy như vậy. Họ có thể cảm thấy lo lắng, bất an, căng thẳng, v.v… Họ không bao giờ thấy thỏa mãn và đôi khi cũng ao ước “giá như mình có mắt màu xanh”, “ước gì mình cao hơn”, “phải chi mình không mắc nhiều sai lầm đến vậy”.
Vì thế, nếu bạn nói với họ dù có vẻ rất hiển nhiên rằng “anh rất thành công, anh nên tự hào về thành tích của mình” thì nó giống như một làn gió trong lành đưa họ lên tận mây xanh.
Khen gián tiếp
Một cách khen khác là nói với ai đó điều bạn nghe người khác nói về họ. Ai cũng thích khi nghe rằng bạn bè hay gia đình họ nói tốt về họ.
Khen gián tiếp cũng giúp ích cho bạn khi bạn cần ai đó làm gì hay bán gì cho bạn lần đầu tiên, chẳng hạn bác sĩ, thợ sửa xe, người làm vườn, v.v… Bạn có thể hỏi một người bạn để biết được ai làm việc tốt hay có uy tín trong việc gì đó.
Giả sử bạn được ai đó giới thiệu thì cách hay nhất để khởi đầu quan hệ và đảm bảo bạn được cung cấp dịch vụ hay hàng hóa tốt là nói với họ rằng bạn đã nghe ai đó nói tốt về họ…
“Bob nói với tôi rằng anh là thợ sửa xe giỏi nhất…”
“Ông chủ nói rằng anh sành mấy cái máy này hơn bất kỳ ai khác”.
Thứ nhất, họ muốn được khen. Thứ hai, họ phải giữ uy tín có được.
ĐÚC KẾT: Con người ai cũng thích được công nhận, Nếu bạn học được cách nhìn ra điểm tốt của ai đó và khen ngợi họ thì họ sẽ cảm thấy vui sướng và bạn cũng vui theo.
TEDDY
Thầy hiệu phó trường tiểu học của tôi tên là Edward Gare. Thầy cao chỉ 1,5m. Người thầy phục phịch và khuôn mặt tròn và đỏ. Mọi người gọi thầy là thầy Teddy. Thầy dạy lớp 7 và trẻ con học lớp thầy thay đổi rất nhanh. Chúng bắt đầu học rất chăm, phải nói là chăm chỉ thật sự! Trẻ con chỉ có 11 tuổi mà chịu khó học ban đêm thêm 4 đến 5 tiếng đồng hồ chỉ vì chúng muốn vậy! Thật là một hiện tượng! Tôi học với thầy Teddy chỉ một năm và biết được tại sao thầy đạt được thành tích phi thường như vậy. Những người không học với thầy Teddy cho rằng thầy mê hoặc học sinh.
Thầy không phải là một giáo viên vui tính, cũng không có học vấn uyên thâm. Nhưng thầy biết cách khen ngợi học trò, thầy biết cách khích lệ chúng và quan tâm đến chúng. Thầy Teddy dùng những thẻ nhỏ làm phần thưởng cho cố gắng của học sinh, dùng ngôi sao bằng vàng và tem thưởng cho những thành tích lớn. Thầy dành nhiều thời gian ghi nhận xét từng bài viết, nói cho học trò biết chúng giỏi ở điểm nào và cần cải thiện hơn ở chỗ nào, chứ không chỉ cho điểm A, B.
Nhiều em học sinh lần đầu tiên được nghe một lời khen thật sự nhờ thầy Teddy. Thầy làm cho tất cả học trò cảm động và cảm thấy được khích lệ, cả những em khó tính và khô khan nhất.
Tôi còn nhớ anh trai tôi Christopher tuyên bố là không muốn học lớp của thầy Teddy. Anh ấy nói: “Tôi sẽ không thèm nghe lời ông Teddy!” Nhưng rồi anh ta trở thành học trò của thầy Teddy và mỗi tối bỏ thêm 6 tiếng đồng hồ làm bài tập. Và cuối năm thì anh có nhiều thẻ hơn bất kỳ học sinh nào trong lịch sử của trường.
Thành tích của thầy Teddy là một sự khẳng định tiếp theo về sức mạnh của lời khen. Ông làm được như vậy là vì ông thật sự quan tâm, ông yêu trẻ con và luôn tìm thấy điểm tốt ở người khác.
NÓI CHUYỆN
Nhiệm vụ của bạn trong cuộc đời không phải là làm cho tất cả mọi người thích mình. Nhưng nếu bạn gặp người này người nọ trong chỗ làm, ở trường học hay các bữa tiệc thì cũng nên học cách nói chuyện với họ sao cho dễ dàng.
Người ta cảm thấy thoải mái khi ở bên cạnh bạn nếu họ thấy bạn khá giống họ, tức là bạn có những điểm chung với họ. Nếu họ cảm thấy bạn hiểu họ thì họ sẽ hạnh phúc khi nói chuyện với bạn.
Fred Nurd bước ào đến bàn chủ tọa để trình bày bài phát biểu của mình. Anh ta bắt đầu: “Tôi rất hân hạnh được có mặt ở đây…” (Ồ không! Lại lối cũ rích đó) Tôi không quen với việc nói chuyện trước công chúng, tôi à… Tôi sẽ cố gắng để không làm các bạn chán! (Anh ta còn thú nhận chính mình dở cơ mà!)
“Khi tôi nghĩ về nghề nghiệp của mình…” (Bây giờ anh ta bắt đầu nói về bản thân mình)
“Tôi sinh năm 1923…” (Ồ không! Anh ta sẽ kể lại cả cuộc đời mình)
“Gia đình tôi lúc đó”. (Lại đến chuyện gia đình anh ta)
Một giờ sau, “Tôi thấy chúng ta còn rất ít thời gian…” (Lạy chúa thương chúng con)
“… Vậy thì trong nửa giờ còn lại này…” (Ồ không! Ai đó làm cái gì đi chứ! Có ai có thuốc
không?)
“… tôi muốn nói về bản thân mình…” (Tôi không chịu được nữa. Tôi đi đây.)
Những kiểu cách này làm cho chúng ta phát chán. Họ không hợp với chúng ta, họ nói quá nhiều về bản thân, và họ lo lắng quá nhiều về ấn tượng mình tạo ra, họ sợ phải trung thực và khác thường. Người nói giỏi thì làm ngược lại. Họ nói đến kinh nghiệm, sở thích, thói quen của độc giả. Người nói hay thì rất thiếu thời gian nên không phải lo về ấn tượng của mình và họ nhìn thấy mặt khôi hài của vấn đề.
Nói chuyện với 1000 người hay một người cũng áp dụng quy luật đó. Bạn không cần phải làm họ kinh ngạc về sự thông thái và sang suốt của bạn. Nếu bạn:
a) Tìm được điểm chung
b) Quan tâm
c) Tự nhiên
– thì bạn sẽ nói chuyện dễ dàng với tất cả mọi người.
Tìm ra điểm chung
Khi bạn gặp ai đó lần đầu, thường họ sẽ tự hỏi bạn có thích họ không? BẠn phải cố tìm ra điểm tương đồng giữa bạn và họ để làm nhẹ đi thắc mắc này.
Những người không hòa hợp với người khác thì luôn tìm thấy cái khác biệt. Thông điệp của họ là: “Tôi giàu, thành công thú vị hơn bạn. Tôi thậm chí không muốn nói về bạn. Tôi không đồng ý với những gì bạn nói.” Nói chuyện với những người này bạn sẽ gặp kiểu như sau:
Bạn nói: “Món bánh này ngon thật”
Họ nói: “Nó làm tôi phát ngấy”.
Bạn nói: “Hè này tôi đi Pháp”.
Họ nói: “Con chó của tôi chết ở Pháp”.
Bạn nói: “Tôi sẽ trượt patin vào cuối tuần”.
Họ nói: “Tôi bị gãy chân cũng vì trượt patin”.
….
Tìm được điểm chung với ai đó, dù là những điểm chung đơn giản, là một kỹ năng cần thiết. Điều này có nghĩa là bạn phải chia sẻ bản thân mình và cởi mở với những sở thích chung của cả hai bên.
Quan tâm
Để thu hút người khác thì chúng ta phải quan tâm đến họ. Khi chúng ta thật sự để ý đến ai thì không có gì khúc mắc khi nói chuyện với họ. Chúng ta sẽ quên đi bản thân mình, không còn thắc mắc: “Mình sẽ nói gì tiếp theo nữa?” Không có những khoảng im lặng hay dài nhằng mà bạn phải đưa mắt đi quanh phòng, nhìn đồng hồ và nói lại nữa là “Thời tiết hôm nay thật đẹp”. Quan tâm có nghĩa là xét mình ở cùng cảnh ngộ với người đối thoại, bỏ qua một bên kình nghiệm của bản thân và nói: “Anh kể cho tôi nghe chuyện của anh đi!”
Nếu bạn không muốn nỗ lực hay tỏ ra quan tâm thì tốt hơn đừng bắt chuyện.
Hãy tìm người bạn thật sự thích chơi, còn không thì đi tắm, đọc sách chứ đừng chịu đựng những cảm xúc nào đó trong suốt buổi tối với người nào đó mà bạn không thích. Nếu đã chọn nói chuyện với ai thì tại sao không hoàn toàn chú ý đến họ?
Lắng nghe
Nói đến việc chú ý thì hãy bàn đến nghệ thuật lắng nghe. Hầu hết mọi người tha thiết muốn được người khác chăm chú lắng nghe mình nói. Lần tới nếu bạn nói chuyện với ai thì hãy để ý xem họ có nghe bạn không. Họ có tiếp nhận từng lời nói cảu bạn không hay nhìn qua vai bạn, liếc đồng hồ và đếm tiền hay sửa lại quần áo của họ?
Chúng ta cần thức ăn và đồ uống như thế nào thì cũng cần người bạn thật sự lắng nghe mình như thế. Tôi có lần tổ chức một cuộc hội thảo về thực hành bài tập nghe cho hàng trăm người. Bài tập được từng cặp một thực hành. Người A nói với người B trong 3 phút và người B phải lắng nghe chăm chú, không được phép nói gì cả. Không được gián đoạn, không “Ừ, Tôi cũng vậy”. Không được gãi, chỉ có lắng nghe thôi. Và mắt người này phải nhìn vào mắt người kia một cách thân tình. Sau 3 phút thì đổi vai, đến lượt người B nói và người A lắng nghe. Mỗi bên nói 4 lần và lắng nghe 4 lần.
Trên giấy thì bài tập này có vẻ đơn giản, nhưng phản ứng của người tham dự luôn làm tôi ngạc nhiên. Hầu hết đều nói: “Trong đời tôi chưa ai lắng nghe tôi chăm chú đến vậy trong 30 năm qua!” Những người chưa gặp nhau thì nói đùa: “Chúng tôi yêu nhau mất rồi!” – chỉ sau 20 phút lắng nghe nhau.
Hãy suy nghĩ về điều này. Bạn không thích khi ai đó lắng nghe bạn chăm chú sao? Không đặc biệt sao khi ai đó dám bỏ thời gian nhìn cuộc đời qua con mắt của bạn? Những người khác khao khát được bạn lắng nghe một cách hoàn toàn. Nếu bạn muốn ảnh hưởng tích cực đến ai thì hãy cố lắng nghe họ 100%. Bạn sẽ trở thành đặc biệt đối với họ.
Lắng nghe và không phán xét
Nếu bạn gặp một người vừa gặp thất bại trong quan hệ nào đó thì người đó sẽ có nhận xét như thế này: “Chúng tôi không nói chuyện với nhau nữa…” “Hôn nhân là sự im lặng chết người”, “Cha tôi không bao giờ lắng nghe tôi…”
Lại một lần nữa, chủ đề ở đây là lắng nghe. Với những người chúng ta yêu thương thì đây là điều cơ bản, không phải chỉ lắng nghe mà chúng ta phải nghe mà không hề phán xét. Con người thật dễ tổn thương. Chúng ta cần có ít nhất một người để có thể chia sẻ những mối quan tâm thàm kín nhất – một người chịu nói: “Tôi yêu thương bạn và chấp nhận bạn như bản chất của bạn, dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào”. Nếu chúng ta sợ rằng khi chúng ta bộc lộ cảm xúc của mình, họ nói: “Anh thật ghê tởm”. hay “Thật xấu hổ cho anh!” thì chúng ta sẽ không chia sẻ gì cả và thường xa lánh họ. Có nhiều trương hợp người nghe không cần bày tỏ ý kiến. Chỉ cần có thể chia sẻ cảm xúc của mình với người khác là đủ rồi.
LÀM NHỮNG GÌ BẠN NÓI
Người ta có thể chia con người làm 3 nhóm. “Một số ít người làm cho việc gì đó xảy ra, nhiều người khác thì nhìn sự việc xảy ra và những người còn lại thì không biết chuyện gì đã xảy ra!”
Đây là công thức cho nhóm đầu tiên: Hãy làm điều bạn hứa sẽ làm!
Đa số không làm thế. Họ nói họ sẽ làm tất cả mọi việc và không làm gì cả.
Bạn có thường nghe người khác nói: “Tôi sẽ gọi điện cho anh”, hay “tôi sẽ tập thể dục”, mà mỗi ngày càng mập ra hơn, nói “Tôi sẽ giúp anh nếu tôi có thể”, khi bạn biết họ sẽ không giúp? Hay họ nói:
“Tôi sẽ thanh toán”, và bạn không bao giờ gặp lại họ.
Khi chúng ta nghiêm túc với những lời nói của mình thì những điều sau sẽ xảy ra:
– Người khác tin ta
– Chúng ta cân nhắc cẩn thận trước khi cam kết điều gì.
– Chúng ta trung thực với người khác.
– Chúng ta tránh được nhiều tình huống nan giải hơn.
– Chúng ta se thích bản thân mình.
Khi bạn không để ý đến điều mình nói thì những người khác sẽ không chú ý đến bạn. Nếu bạn không tin mình thì người khác cũng không tin bạn. Bạn có thể cảm nhận được sự thiếu cam kết của người khác thì ngược lại cũng vậy. Họ biết được bạn là loại người nào.
Vậy làm cách nào để có thể nói sao thì làm vậy? Bạn có quyền chọn lựa, hãy thú nhận và trung thành với lựa chọn của mình.
Khi hàng xóm mời bạn đi uống rượu và bạn nghĩ: “Tôi thà chết còn hơn đồng ý!” thì đừng nói: “Nghe hay đấy! Tôi thật sự hy vọng là tôi đi được”. Nên trung thực thì hơn. Bạn có thể nói: “Tôi cám ơn anh đã nghĩ đến tôi nhưng tôi không thể đi được chiều nay”.
Trong những tình huống tương tự như thế này, nên khéo léo và tôn trọng mong muốn riêng của bạn, hãy nói rõ chọn lựa của mình và đừng cảm thấy có lỗi vì đã thành thật với bản thân mình.
Những lúc không biết mình sẽ làm gì hay đi đâu thì đừng có hứa trước. Cứ thẳng thắn. Nhiều người sống trong thế giới của truyện cổ tích, nên không nghĩ cho thấu đáo điều gì và không bao giờ hỏi mình những câu hỏi như: “Làm sao mình thực hiện được điều này?” hay “Mình có 100% cam kết không?”
Đối với những trường hợp mà người ta yêu cầu bạn cam kết mà nếu bạn thật sự không chắc thì đừng hứa. Tốt nhất là nên nói: “Tôi chưa biết, nhưng nếu tôi có thể, tôi sẽ báo cho anh biết”. Tốt hơn nữa là sau đó nên gọi họ và báo tin tốt (“Tôi sẽ đến”) hơn là nói “Tôi sẽ đến” rồi sau đó gọi cho họ nói là bạn không đến được.
Hàng xóm, bạn bè và đồng nghiệp đều muốn bạn mạnh mẽ lên – vì có quá nhiều người yếu đuối rồi. Khi họ có kế hoạch ăn chay thì họ dụ bạn bằng kem, dù họ thầm mong bạn giữ được kế hoạch của mình.
Trẻ con rất thích ngưỡng mộ người mạnh mẽ – nhưng người hứa và sẽ thực hiện được điều đó.
Hãy vạch ra giới hạn và con bạn sẽ vượt qua nó. Con cái muốn thử thách bạn, và hy vọng là bạn đủ mạnh mẽ.
Thật ra trẻ con rất không thoải mái khi tin rằng chúng kiểm soát được mọi việc và có thể làm bất kỳ điều gì chúng muốn. Chúng hết sức cần ai đó đặt ra luật lệ và bắt buộc chúng. Đôi khi chúng nói tục, la hét hay làm bể đồ, ăn cắp, bỏ trốn, v.v… nhưng lại hy vọng là ai đó sẽ áp đặt những ranh giới cho chúng.
ĐÚC KẾT: Mỗi khi bạn nói là bạn sẽ làm điều gì đó và rốt cuộc thì làm điều hoàn toàn khác tức là bạn sẽ làm sứt mẻ đi sức mạnh cá nhân của mình. Dĩ nhiên thỉnh thoảng cũng có thể thay đổi quyết định nhưng nhìn chung nên chứng minh với chính bản thân là bạn kiểm soát được đời mình bằng cách giữ lời hứa với mình.
Càng thực hiện được cam kết với mình thì bạn càng mạnh mẽ. Để ảnh hưởng được người khác thì bạn phải tin vào bản thân mình trước. Mà để tin vào bản thân thì bạn phải tin điều mình nói và làm điều mình nói.
MỌI NGƯỜI ĐỀU MUỐN ĐƯỢC TÔN TRỌNG
Thỉnh thoảng hàng xóm, người bán hàng, hay chồng/ vợ gây cho ta những phiền toái. Dù chúng ta cố hết sức muốn hòa hợp với họ nhưng dường như họ cư xử hết sức vô lý. Mục này chia sẻ với bạn những bí quyết tránh xung đột và kéo mọi người về phía mình. Nếu bạn thích đối đầu thì bỏ qua phần này- hoặc là đọc nhưng làm ngược lại!
Hãy thử tưởng tượng bạn ở trong những tình huống sau:
Bạn đang đẩy xe của mình đến quầy tình tiền của siêu thị thì một bà chen ngang phía trước bạn mà không hề xin phép gì hết. Kết quả là bạn bị chậm mất hai phút. Dĩ nhiên bạn sẽ cảm thấy bực, nhưng bạn bực vì đã mất hai phút hay là bà ra không để ý?
Bạn đi dự tiệc. Một người bạn biết đã nhiều năm nhưng thấy bạn không hề chào. Bạn có tức không? Tại sao?
Đang ăn món xà lách trong nhà hàng, bạn để ý thấy rìa lá rau đã bị héo. Bạn gọi người bồi bàn đến và anh ta nói: “Cứ bỏ phần héo đi, bà không chết đâu”. Bạn nổi giận có phải vì mất ăn xà lách không?
Không phải “thời gian” hay lời xin lỗi món xà lách làm chúng ta bực mà là cách đối xử của những người đó. Vậy phần lớn trường hợp người ta nổi giận không phải vì lý do người ta tưởng. Chúng ta giận khi cảm thấy người khác không quan tâm đến chúng ta. Chúng ta muốn được tôn trọng. Mọi người muốn được tôn trọng.
Chúng ta đều mắc sai lầm như nhau….
Rõ ràng mọi người đều muốn được tôn trọng – và ai cũng biết điều này. Chỉ khi bắt đầu xung đột thì mới có vấn đề. Lúc đó chúng ta kể ra hàng chục lý do vì sao chúng ta làm điều gì đó và quên thực hiện cả sự tôn trọng đối với người kia.
Thử tưởng tượng vợ bạn gọi bạn và nhờ bạn lấy áo quần nhờ giặt ủi trên đường về. Sự thật là:
a) Vợ bạn luôn đi lấy áo quần sau này.
b) Vợ bạn rất dễ giận.
c) Bạn về nhà mà chẳng ghé lấy quần áo về.
d) Vợ bạn giận.
Đừng có ngốc. Vợ bạn quan tâm đến chuyện bạn có để ý không, có muốn giúp cô ta một tay không chứ không phải vì hết quần áo mặc. Vì thế đừng đưa ra hàng loạt lý do như liệt kê dưới đây:
a) “Anh có quá nhiều việc phải lo ngoài mớ quần áo đó!”
b) “Thật là một ngày tồi tệ: Sếp chửi, xe hơi hỏng, khách hàng phàn nàn, chuyện tiền bạc – còn
em thì thì lo đến cái mớ quần áo chết tiệt!”
c) “Anh quên mất là mình phải lấy về”.
d) “Anh quên mất là mình đã có gia đình”.
e) “Mẹ kiếp mớ quần áo của em!”
Tất cả những câu nói trên đều có chung một ý nghĩa: “Nhu cầu của tôi cao hơn của em!” Thật là nguy hiểm. Vợ bạn sẽ cho là “anh không làm gì để giúp em cả”, rằng “anh chỉ nghĩ đến bản thân mình” và quan trọng nhất là “Anh không thèm quan tâm“. Rồi thì hai người muốn ly dị, chỉ vì chuyện không đâu với mớ quần áo.
Bạn nói: “Nhưng tôi thật sự bị ông sếp khiển trách”, “đúng là xe bị hư”, “Những chuyện đó là đúng sự thật! Tại sao cô ta lại vô lý như thế?”
Họ vô lý vì con người thường không muốn nghe cái gì sai hay đúng – ít nhất là lúc ban đầu. Họ chỉ muốn biết là anh có quan tâm hay không! Họ muốn anh phải thấu cảm. Họ muốn được tôn trọng. Khi họ biết là anh quan tâm thì có thể họ sẽ lắng nghe những cái đúng sự thật, nhưng trước hết anh phải tỏ vẻ quan tâm.
Chẳng hạn bạn hãy nhớ lại về câu chuyện về món xà lách trộn ở nhà hàng. Bạn không muốn biết, không cần nghe người bồi bàn giải thích: “Chúng tôi bận quá nên không làm kỹ hôm nay”, hay “Tệ quá. Bà ăn trúng đĩa rau cuối cùng”. Bạn muốn anh ta thể hiện sự tôn trong: “Thưa bà, tôi hiểu là bà cảm thấy bực bội về chuyện này và tôi cũng cảm thấy vậy. Tôi xin mang cho bà một đĩa xà lách mới có được không ạ?…. Bà còn yêu cầu gì không ạ?” Bạn sẽ thấy dễ chịu hơn nhiều với cách xử lý này phải không?
Làm thế nào để thể hiện sự tôn trọng? Xin hãy nghe vài quy tắc dưới đây:
1. Lắng nghe. Không có gì làm cho một người có đầu óc minh mẫn trở nên giận dữ hơn cảm giác bạn đang không lắng nghe họ chăm chú. Lắng nghe thể hiện sự tôn trọng. Lắng nghe làm cho người khác thấy mình quan trọng. Hãy nhìn vào mắt họ khi họ giải thích cảm xúc của mình.
2. Thấu cảm. Hãy để cho người đối thoại biết là bạn có thể hiểu được anh ta cảm thấy như thế nào. “Chắc anh cảm thấy khó chịu lắm lần anh yêu cầu tôi giúp đỡ, tôi đã làm anh thất vọng! Có lẽ đối với anh tôi có vẻ không quan tâm”.
2. Đồng cảm. Nên tạo một nền tảng chung – “Nếu tôi ở trong tình huống đó thì tôi sẽ cảm thấy như anh”, hoặc “tôi không trách là anh giận, tôi cũng sẽ làm vậy nếu tôi là anh”.
4. “Còn gì nữa không?” Khi họ đã nói rồi thì bạn nên hỏi: “Còn gì bạn muốn cho tôi biết nữa không?” Những người khó chịu sẽ luôn ngạc nhiên và thích thú khi được bạn hỏi như thế. Họ đã quá quen với việc người khác cố gắng làm cho họ im miệng. Khi họ cảm thấy bạn sẵn sàng dành thời gian cho họ, họ sẽ thôi không công kích và tha thứ cho bạn.
5. “Bạn muốn tôi làm gì?” Khi người ta biết rằng bạn không quan tâm mà bạn hỏi họ: “Bạn muốn tôi làm gì?” Có thể họ sẽ nói: “Anh ra và giải quyết giúp tôi ngay bây giờ” hoặc “tìm một nhà cao tầng và nhảy lầu cho xong”. Tuy nhiên, khi họ biết là bạn quan tâm thì mọi yêu cầu của họ dường như đã được giải quyết. Bạn sẽ nghe họ nói: “Thật ra chuyện đó không quan trọng lắm”, hoặc “Tôi tự nghĩ tôi có thể tự giải quyết”. Hãy thử đi. Tuyệt lắm. Chỉ mới một phút trước họ đòi kiện bạn vì một cái áo sơ mi nhưng chỉ ít phút sau họ sẽ nói: “Quên chuyện đó đi!”
George có một cửa hàng kinh doanh vàng bạc và ngày hôm đó anh ta giao hàng cho một khách hàng, trễ hai ngày kể từ ngày hứa giao. Người mua hàng bừng bừng sẵn sàng nổi đóa: “Thật quá lắm! Anh nói anh sẽ giao cách đây hai ngày mà”.
George không khẩn khoản giải thích như thường lệ mà nói với vẻ đồng tình: “Nếu tôi đặt hàng mà nó đến trễ hai ngày thì tôi cũng giận như ông!” Người kia lập tức dịu xuống. George bảo tôi: “Thật kỳ diệu. Khi tôi không giải thích mà nói cho ông ta biết tôi hiểu thái độ của ông ấy thì lập tức thái độ của ông ta thay đổi. Bỗng nhiên tôi không còn sợ những người khó tính nữa.”
Về lý thuyết thì những nguyên tắc này dễ sử dụng. Bạn nghĩ bạn hiểu được ý nghĩa của phương pháp này nhưng trong thực tế, bạn sẽ dễ vướng vào chuyện giải thích lằng nhằng do áp lực của thói quen.
Đừng làm vậy ít nhất cho đến khi bạn làm cho người đó biết bạn thấu hiểu được tâm trạng của họ
Vậy khi nào thì nên giải thích?
Đôi khi lý lẽ và những lời giải thích lại có tác dụng, chẳng hạn “Tôi trễ là vì người ta đã ăn cắp xe của tôi”, nhưng nên nói vậy sau khi tỏ ra hiểu được tâm trạng của người khác trước: “Em yêu, chắc là em giận lắm vì anh đến đám cưới trễ 2 tiếng”. Qui tắc ở đây là: hãy thông cảm trước rồi giải thích sau.
ĐÚC KẾT: Khi đối mặt với những người đang giận, những lời giải thích không có hiệu lực bằng sự quan tâm và tôn trọng. Chúng ta không nói đến những kỹ thuật ở đây mà là thái độ. Lắng nghe, thông cảm và tôn trọng thì đến 99% bạn sẽ ít gặp rắc rối hơn.
NÓI CHO NGƯỜI KHÁC BIẾT CẢM THẤY NHƯ THẾ NÀO
Tôi biết chồng tôi có thể rất tử tế và dịu dàng – với con chó trong nhà thì anh ta như thế“.
Một phụ nữ cô đơn nói như thế với Leo Buscaglia và anh ta trích lại trong bài nói của mình về “Tình yêu”. Nghe thật buồn quá phải không bạn, rằng một người chồng “phải gắn bó với vợ khi giàu có, lúc nghèo khổ, khi sung sướng, lúc lầm than”, lại chỉ tỏ ra âu yếm và dịu dàng với con vật cưng trong nhà?!
Thường thì vấn đề không phải là chúng ta không quan tâm mà là không biết thể hiện sự quan tâm như thế nào. Đôi khi bộc lộ điều đó thật ngượng ngùng và khó chịu vì thế chúng ta trì hoãn và không nói gì cả. Chúng ta tự nhủ: “Một ngày nào đó, ta sẽ nói với mẹ là ta yêu bà rất nhiều!”. Khi chúng ta nói được thì đã quá muộn.
Tôi có một người bạn, Paul, 33 tuổi. Anh ta quyết định nói với cha anh là anh rất yêu thương ông. Paul luôn mẫu thuẫn với bố và câu chuyện của Paul thật cảm động. “Tôi muốn nói với cha tôi là tôi thật sự đánh giá cao những gì ông đã làm cho tôi trong những năm qua.Ông đã dành thời gian đưa đón tôi đến trường, xem tôi chơi bóng đá và làm hai công việc một lúc để nuôi tôi học đại học. Tôi muốn nói với ông là dù cho chuyện gì xảy ra, tôi luôn quan tâm đến ông”.
Ông chỉ sống cách tôi 50 dặm nhưng tôi ngại ngùng đến độ không thể nói trực tiếp với ông được. Gọi điện thoại tôi cũng ngại, vì thế tôi quyết định viết thư cho ông. “Bố thân yêu, con biết gần dây cha con ta không hòa thuận lắm, và đã lâu cha con ta không nói chuyện với nhau…” Và tôi tiếp tục nói là dù ông và tôi có những cái khác nhau, tôi luôn yêu thương và ngưỡng mộ ông. Tôi nói tất cả những điều không thể nói khi gặp mặt ông và gởi lá thư đi.
Vài ngày sau, tôi nhận được một cú điện thoại. chính là cha tôi gọi. “Paul, bố đây. Bố mẹ đã nhận được thư của con. Con nói chuyện với mẹ nhé”. Cuộc nói chuyện dù ngắn nhưng là một sự khởi đầu!
Một vài tuần sau, tôi quyết định lái xe đến xem cha tôi chơi gôn ở câu lạc bộ của ông. Ông đã dành nhiều thời gian xem tôi chơi thể thao, vì thế tôi nghĩ tôi muốn xem ông chơi. Sau một hiệp, ông đưa tôi vào căng tin câu lạc bộ và giới thiệu tôi với bạn bè. Ông giới thiệu tôi với người ngồi gần ông nhất và ông này nói: “Paul, anh chính là người đã viết bức thư à!” Người tiếp theo bảo tôi “Rất vui được gặp anh. Chắc anh là người đã viết bức thư!” Anh đoán xem người tiếp theo nói gì nào: “Anh ắc hẳn là đã bức thư đó”. Có 300 người trong câu lạc bộ và dường như ai cũng biết về lá thư tôi gởi cho cha tôi. Như thể ông đã dán nó lên bảng thông báo hay cho đăng nó trong báo của câu lạc bộ! Một ông nói với tôi “tôi sẽ trả bất kỳ giá nào để có một lá thư tương tự của con trai tôi”.
Paul nói: “Bố tôi và tôi bắt đầu đi chơi với nhau vào dịp cuối tuần, đi nghỉ đông, quan hệ của chúng tôi ngày càng tốt hơn. Tôi đã từng không nói chuyện với ông mà bây giờ mỗi khi gặp ông thì được ông ôm một cái thân thiết”.
Hễ chúng ta biết rõ tình cảm của mình và muốn nói với người khác là chúng ta quan tâm tới họ thì chúng ta phải cố gắng. Phải dũng cảm thì mới có được phần thưởng. Nên bày tỏ tình cảm thật với những người mà chúng ta yêu thương để họ cảm thấy an tâm. Một người hỏi tôi: “khi nào nên nói cho vợ mình biết mình yêu cô ta?” Câu trả lời là: “Trước khi người khác nói điều đó với cô ấy!”
Jim Rohnchir ra: “Lời nói không thay thế được hành động, nhung ngược lại cũng đúng. Hành động không thay thế được lời nói“. Frank làm việc 80 giờ một tuần để nuôi gia đình và anh nói: “Họ biết tôi yêu thương họ! Hãy xem tôi làm việc như thế nào! Rõ ràng tôi không cần phải nói cho họ biết!” Có đấy Frank ạ. Nếu anh không nói thì có thể họ sẽ không biết.
May nói: “Mẹ tôi hẳn cũng biết là tôi tôn trọng bà!”. Ừ, có lẽ vậy, nhưng bà có thể không biết. Người ta đâu phải ai cũng đoán giỏi. Nếu bạn cố thể hiện tình cảm với con vật cưng của mình thì với người mình yêu thương cũng phải cố! Phải khen ngợi người khác, vỗ lưng, ôm họ và nói với họ rằng bạn yêu thương họ. Không bao giờ có ai thấy mình đã nhận đủ những điều này. Dù cho các bạn là chồng, vợ, người yêu hay là ai thì điều này cũng hết sức cần thiết.
ĐÚC KẾT: Chúng ta thường nghĩ là người khác biết chúng ta quan tâm, nhưng họ thường không biết. Đôi khi chúng ta quá bận để chứng minh điều này đến nỗi quên mất không nói với họ. Tất cả chúng ta đều muốn được nghe người khác nói họ yêu thương chúng ta.
Tôi muốn nói với họ nhưng tôi không biết nói bằng cách nào?
Nhiều người nói: “Tôi muốn nói với họ rằng tôi quan tâm đến họ, nhưng tôi quá bối rối. Tôi không biết nói gì hay nói như thế nào. Họ có thể nghĩ là tôi ngu”. Trong trường hợp bạn là một trong những người đó thì bạn nên sử dụng đoạn:
“Anh là một trong số những người rất khó khăn khi nói câu “Anh yêu em”. Anh nghĩ rằng em đã biết điều này dù anh không nói ra. Anh không muốn mình trở nên bối rối và yếu mềm trước em nên anh thường cố tránh để không cho em biết cảm nghĩ của anh về em như thế nào? Sự thực là anh yêu em rất nhiều và cảm thấy rằng mình thật may mắn khi có em trong đời. Có thể thông điệp nhỏ này không được mong đợi và em sẽ rất ngạc nhiên khi nhận được lời yêu từ một quyển sách, nhưng qua quyển sách này anh có can đảm mà nói với em điều đó. Anh hy vọng rằng anh luôn có thể nói: “Anh yêu em” nhiều, nhiều hơn nữa. Anh chỉ muốn em biết được điều này.”
AI CŨNG CẦN KHÔNG GIAN RIÊNG
“Hãy hát và khiêu vũ, tận hưởng cuộc đời, nhưng hãy cho mỗi người chỗ riêng của họ.
Ngay cả những dây đàn cũng nằm riêng lẻ dù chúng cùng tấu lên một bản nhạc”.
Kahlil Gibran
Dù cho bạn yêu ai đến mức nào cũng thỉnh thoảng nên để cho họ ở riêng một mình. Đôi khi chúng ta quên chúng ta là những cá nhân và cần có không gian riêng, vậy nên khi bạn đời của bạn muốn được làm cái gì đó một mình hay ở một mình, bạn cảm thấy bị bỏ rơi…
Fred nói với Mary: “Anh đi câu”.
Mary hỏi: “Đi một mình à?”
Fred, “Ừ, đôi lúc anh thích đi một mình”.
“Tại sao? Em đã làm gì sai?” Mary thấy bị tổn thương.
“Không, anh chỉ thích cảnh cô đơn”.
“Ừm, vậy em không thể đi với anh và cùng nhau hưởng cảnh cô đơn à?”
“Mary! Anh chỉ muốn đi một mình”.
“Nhưng em là vợ anh!”
“Ừ, anh yêu em nhưng anh cũng muốn đi câu”.
“Hãy cho anh được nghỉ ngơi, Mary!”
“Chắc em làm điều gì sai mà anh không nói cho em nghe”.
“Em không làm gì sai cả. Anh chỉ thỉnh thoảng cần không gian riêng”.
“Em nghĩ anh muốn tránh em”.
“Không, thật mà”.
Nếu Mary cứ nói tiếp thì Fred sẽ đi câu cho sớm để thoát khỏi cô!
Hầu hết chúng ta cần có thời gian ở mọt mình để sắp xếp lại suy nghĩ của mình, tư duy và xây dựng chiến lược, để được sống với thiên nhiên. Đôi khi bạn cần ở một mình để nhớ đến ai đó, và càng yêu họ nhiều hơn.
Nếu bạn sống với một người 7 ngày một tuần thì có lúc nào đó, bạn sẽ phát điên… Họ quên làm việc này cho bạn, họ nói chuyện điện thoại hoài, họ quăng đồ đạc bừa bãi v.v…
ĐÚC KẾT: Chúng ta cần phải nhạy came với nhu cầu của người khác. Đôi khi cách tốt nhất để hòa hợp với ai đó là không ở bên họ!

Share this

Có thể bạn quan tâm

Bài Sau
« Prev Post
Bài trước
Next Post »