Đời thay đổi khi chúng ta thay đổi | Tập 2 - Chương 6

8:55:00 PM

Đời thay đổi khi chúng ta thay đổi | Tập 2 - Chương 6

Thử thách của bạn là thành thực với chính mình
NHỮNG CÁI ÔM
Những cái ôm thân thiết có lợi cho sức khỏe! Chúng ta cần được âu yếm thường xuyên. Nhưng đôi khi chúng ta sợ người khác phản đối, vì thế chúng ta chỉ âu yếm trẻ con và chó. Ít nhất là chúng ta tin rằng nó sẽ không nói với ta: “Bỏ tay ra khỏi tôi, người đâu mà kỳ cục”.
Nhà tâm lý học Harold Falk nói: “Cái ôm có thể giải tỏa sự chán nản, làm cho hệ thống miễn dịch hoạt động. Những cái ôm thở hơi thở mới vào cơ thể rã rời của bạn, làm cho bạn cảm thấy trẻ và tràn đầy sức sống hơn”.
Tiến sĩ Bresler ở trung tâm y tế U.C.L.A còn kê toa – “Hãy ôm người bạn thương yêu vào buổi sáng, buổi trưa buổi tối và trước khi đi ngủ rồi bạn sẽ thấy khỏe hơn”.
Trong quyển sách “Niềm vui của sự âu yếm”, Helen Colton giải thích rằng Hemoglobin trong máu bạn sẽ tăng lên khi bạn được âu yếm. Đó chính là công cụ mang những dưỡng chất chính của ôxy cho não, cho tim và đi khắp cơ thể. Việc âu yếm, đụng chạm nhau ngày càng được xem là quan trọng và cần thiết.
Dĩ nhiên, người khác có thể nói: “Tôi không phải loại thích thể hiện tình cảm”. Nhưng anh ta có thể học để trở thành người chịu biểu hiện tình cảm. Bạn không cần phải ôm tất cả mọi người, nhưng ít nhất cũng nên bày tỏ với người bạn yêu thương nhất.
PHÁN XÉT NGƯỜI KHÁC
Khi người ta nói về một tình bạn lý tưởng thì người ta luôn nói đến khái niệm “chấp nhận” và “không phán xét”, chẳng hạn: “anh ta không bao giờ phán xét tôi…” Họ nói: “Tôi trở nên gần gũi hơn với người khác khi họ không phán xét và phê bình tôi”. Và dĩ nhiên, khi chê bai và phê bình người khác, chúng ta tạo ra khoảng cách với họ.
Fred có thể nói: “Nhưng tôi thông minh, tôi là dân trí thức. Tôi có đủ tư cách để phán xét người khác”. Có thể như thế nhưng cũng cần phải biết giới hạn. Sách của Lão Tử nói là bạn không cần phải phê bình người khác, chỉ cần ngưỡng mộ họ vì sự khác biệt độc đáo của họ – giống như bạn thưởng thức một đóa hoa hồng hay một bài hát. Bạn không cần phải phân tích, phê bình hay chia tách đóa hồng ra mà vẫn có thể thưởng thức nó cơ mà.
Không phê phán và sự bình an tâm hồn
Khi chúng ta thôi không phê phán người khác tức là chúng ta có được sự bình an tâm hồn bền vững hơn. Chúng ta thường nghe người khác phê bình lối sống của bạn bè họ như sau:
“Cô ta quá mập, nên thật khó coi khi mặc loại áo đó!”
“Anh ta thật ngốc khi cưới ả đó”.
“Frank không nên thu mình nữa, mà nên đi tìm việc làm!”.
Khi chúng ta phán xet người nào đó về việc sử dụng thời gian, tiêu phí tiền bạc hay sống như thế nào đó là chúng ta đã hủy hoại sự bình an tâm hồn của mình- chúng ta cho phép mình bị những điều như thế làm phiền bới vì chúng “nên thế này hay thế kia”. Bạn sẽ hạnh phúc hơn khi chấp nhận người khác đúng như bản chất của họ. Khi chúng ta bắt tay vào thay đổi người khác thì ta sẽ bị căng thẳng và họ cũng ghét chúng ta vì điều đó.
Luôn luôn có người lười nhác, người nghiện việc, người keo kiệt xa xỉ, người khoác lác, nghiện ngập, lưỡng tính, kẻ giàu, người nghèo, kẻ mập, người ốm và nhiều loại người hơn nữa trên hành tinh này, dù bạn có nghĩ về điều này bao lâu đi nữa. Nếu bạn linh hoạt và cứ để cho họ đúng là họ thì bạn sẽ không phải có những lúc căng thẳng không cần thiết. Sự bình an tâm hồn sẽ đến từ sự thay đổi thái độ, không phải từ hoàn cảnh. Và hãy tự hỏi: “Chúng ta là ai mà cứ luôn mồm phê phán việc làm của người khác”.
Tương tự, vì chúng ta học được nhiều từ sai lầm của mình nên chúng ta phải để cho người khác phạm những sai lầm của họ và học được kinh nghiệm từ đó, còn chúng ta nên tập trung cải thiện chính chúng ta!
Có ý kiến
Nguồn; Internet
Nhiều người trong chúng ta lớn lên và tin rằng những người thông minh thì nên có ý kiến về bất kỳ chuyện gì. “Việc này tốt, điều đó tồi tệ, chuyện đó kỳ quặc”. Báo chí có ý kiến, chính trị gia có ý kiến, những buổi phát sóng tin thời sự có ý kiến, hàng xóm có ý kiến – “Hãy quan tâm đến việc này” và “Phải lấy làm phẫn nộ vì việc đó”.
Không phải lúc nào cũng nên có ý kiến. Đôi khi không có ý kiến lại thích hợp hơn. Khi hàng xóm của bạn nói: “Anh không nghĩ Frank nên kiếm việc mà làm sao?”, bạn có thể nói: “Tôi nghĩ Frank sẽ làm điều anh ta thấy thích hợp”. Nếu bà ta nói: “Vợ của Frank mập vậy trông không kinh khủng sao?”, bạn chỉ cần tự nhủ: “Có thể cô ta học được điều gì đó khi phát phì như vậy”.

Dĩ nhiên đôi khi cần phải có ý kiến hay nhận định về người khác – chẳng hạn “Thư ký của tôi làm việc có được không?” “Kế toán của tôi có hoàn thành công việc không?” Nhưng có những trường hợp không có ích gì khi nhận xét này nọ.
Hãy thử nghiệm điều này. Hãy dành một tuần không nhận xét hay phê phán ai hay điều gì hết. Nếu bạn gặp ai đó nhiều chuyện, tiêu xài phung phí hay than phiền nhiều, không chịu làm việc thì cứ tự nhủ: “Tôi cho anh không gian để chiêm nghiệm cuộc đời giống như anh đã chọn. Tôi không nên có ý kiến gì”. Cuộc sống sẽ trở nên thanh bình hơn.
Một thái dộ “không phê phán” không có nghĩa là bạn phải thích tất cả mọi người, hay bạn không được chọn lựa – mà là bạn chọn một thái độ để được bình an hơn với những người xung quanh bạn.
Có những lúc bạn không muốn ở bên ai đó, nhưng cái đó bắt nguồn từ thái độ chọn lựa cái thích hợp với bạn chứ không phải từ việc lên án sự khác biệt của người khác.
ĐÚC KẾT: Nếu Fred dành cả 40 năm tuổi đời để khó chịu vì người khác, có thể anh ta sẽ chợt nhận ra là nhiều người không có suy nghĩ giống như anh ta về mọi việc. Nếu anh ta muốn được hạnh phúc hơn thì có hai sự lựa chọn: hoặc là anh ta đợi cho mọi người bắt đầu suy nghĩ giống như anh ta, hoặc cho họ quyền được sống cuộc đời họ theo cách tốt nhất mà họ biết.
VIỆC NÓI ĐI NÓI LẠI
Có những trò chơi rất thú vị mà bạn có thể tham gia để hiểu được vì sao thong tin bị bóp méo sai lệch khi được chuyển từ người này sang người khác.
Có khoảng 20 người đứng thành một vòng tròn. Một người nói thầm điều gì đó vào tai người bên trái anh ta. Người nghe nói sẽ cho người tiếp theo và cứ thế thông tin đó được truyền đi khắp vòng tròn.
Chuyện này có vẻ đơn giản, nhưng cái đáng nói là ở chỗ thông tin cuối cùng về lại người đầu tiên nói ra đã hoàn toàn khác với thông tin ban đầu. “John Brow bị mất ví trong xóm” trở thành “Jan Smith có thai”. Chỉ trong vòng 3 phút bạn đã thấy một tin đồn sốt dẻo ra đời.
Bạn nên nhớ tình huống này khi ai đó lập lại cho bạn nghe thông tin gì đó mà họ vừa nghe được. Thỉnh thoảng sẽ có người báo với bạn: “Jame nghĩ cậu bị điên khi làm điều này”, “Jenny không bao giờ muốn gặp lại anh nữa”, “William nói anh là một tên ngốc đại hạng…” Hãy cẩn thận với những lời nói đi nói lại như thế.
Một điều nữa cần để ý về thông tin gián tiếp này – nếu bạn không nghe trực tiếp thì không biết ai đã nói hay nói như thế nào. Cần phải biết điều này. Hãy đọc những câu sau rồi bạn sẽ thấy ý nghĩa của câu nói thay đổi theo việc nhấn mạnh những từ khác nhau:
Ví dụ: Tôi không nói là cô ta ăn cắp tiền của tôi.
Tôi không nói là cô ta ăn cắp tiền của tôi. (nhưng một người nào đó đã nói).
Tôi không nói là cô ta ăn cắp tiền của tôi (tôi nhất định không nói điều đó).
Tôi không nói là cô ta ăn cắp tiền của tôi (nhưng tôi phỏng đoán vậy).
Tôi không nói là cô ta ăn cắp tiền của tôi (mà ai đó đã cắp nó).
Tôi không nói là cô ta ăn cắp tiền của tôi (nhưng cô ta đã làm gì đó với nó).
Tôi không nói là cô ta ăn cắp tiền của tôi (cô ta ăn cắp thứ khác).
Tôi không nói là cô ta ăn cắp tiền của tôi (mà tiền của người khác).
Tám ý nghĩa khác nhau mà không hề thay đổi một chữ! Giọng điệu, sự lên xuống giọng và từ nhấn mạnh có vai trò quan trọng trong đàm thoại. Trừ khi chính bạn nghe, nếu không bạn không thể biết được ý nghĩa chính xác của một nhận xét nào đó.
Trước khi bạn tin điều gì, hoặc bị đau tim vì điều gì nghe được, sa thải người quản lý hay nộp đơn xin ly dị thì hãy hỏi cho rõ thông tin trước đó. Đây là lời khuyên cơ bản, nhưng khi vào cuộc, chúng ta thường không cẩn thận.
ĐÚC KẾT: Dù nói đi nói lại có thể bắt đầu từ những sự thật những những sự thật đó sẽ nhanh chóng bị biến đổi.
Khi có thể thì hãy đến nghe sự thật từ miệng người nói trước khi bạn hành động. Nếu bạn tin hết mọi chuyện bạn nghe về tất cả những người bạn biết, thì bạn sẽ tin tưởng rất, rất ít người. Trong mọi tình huống, tốt hơn hết bạn nên tin theo nhận định của mình và đừng bị lung lay bởi lời đồn đại. Tự bạn phải quyết định.
Cho đi
Mary tặng Fred một món quà 500 đô la vào ngày sinh nhật của anh ta. Khi đến ngày sinh nhật của Mary, Fred tặng cô một bó hoa cúc. Mary rất tức giận. Cô rủa: “Thật là bủn xỉn. Tôi dành cả một tuần lương để tặng anh mà đến lượt anh lại chỉ tặng tôi vài bông hoa chết tiệt!”.
Thái độ thông thường thì cho là Fred đã làm cho Mary thất vọng, rằng phải công bằng trao đổi. Nhứng biếu tặng không phải là trao đổi. Khi bạn tặng ai cái gì là không mong nó được trả lại dù dưới bất kỳ hình thức nào.
Bạn tặng ai quà vì muốn họ có được cái đó, và vì bạn muốn tặng. Nếu bạn không muốn tặng thì cũng không sao.
Chúng ta gặp rắc rối khi “cho đi” mà buộc theo một sợi dây. Trong tình huống đã nêu, lời của Mary trên card là: “Chúc mừng sinh nhật Fred, tôi hy vọng là anh thích cái máy. Yêu anh, Mary”. Thông điệp không viết ra của cô là: “Sinh nhật của tôi là vào tháng 8, Fred. Nếu anh không tặng cho tôi món quà cũng trị giá như thế này thì anh quả là một tên bần tiện và lúc đó anh đi mà tìm cô bạn gái khác”.
Rắc rối, xuất hiện khi chúng ta cho đi có rằng buộc điều kiện – “Tôi muốn tặng anh cái áo len này. Nếu anh không mang nó một tuần hai lần thì tôi sẽ rất giận”. Cố gắng kiểm soát người khác là một việc làm rầy rà. Bạn tặng tôi áo len là vui vẻ để tôi sử dụng nó như tôi muốn. Bạn sẽ hạnh phúc hơn nếu bạn tôn trọng quyết định của tôi liên quan đến chiếc áo đó một khi nó đã là của tôi.
Tương tự, chúng ta có thể tặng người khác dưới nhiều hình thức: thời gian, cơ hội, sự hy sinh cho bạn đời, cho người thân hay bạn bè ta. Nếu chúng ta nói: “Tôi đã hy sinh cho anh!” để cho họ biết là như thế thì họ sẽ cảm thấy khó chịu. “Vì anh, tôi đã bỏ mất những năm tháng đẹp đẽ nhất của đời mình. Tôi đã hi sinh nghề nghiệp của tôi”.
Hãy là người lớn trong chuyện này. Hãy chọn lựa. Nếu muốn thì bạn làm, nếu không thì thôi. Đừng có luôn mồm nói hi sinh. Hãy để cho người ta biết ơn – đừng có làm cho họ thấy có lỗi.
Bạn cho đi cái này thì bạn sẽ nhận lại được cái khác, có khi không phải là nguồn bạn đang mong đợi mà từ nơi bạn không ngờ. Cách duy nhất để có sự thanh thản của người dâng là cho cho đi không điều kiện. Nếu Mary có thể tặng cho người chồng sắp cưới Fred máy thu âm với suy nghĩ “Em hạnh phúc khi tặng cho anh chiếc máy này để anh tùy nghi sử dụng theo ý mình”, cô sẽ hạnh phúc dù Fred có làm gì với nó đi nữa.Dù anh ta có xài nó hàng ngày, cho anh trai anh ta hay anh ta không còn quen cô nữa mà đi cưới cô gái khác…
Khi đã tặng quà thì chúng ta nên cố không ràng buộc điều kiện:
Nếu chúng ta nói: “Hãy nhận lấy cái này…
a) với điều kiện anh thích nó.
b) với điều kiện anh thích tôi.
c) với điều kiện anh chỉ làm điều tôi thích với nó.
d) với điều kiện anh phải trả lại tôi cái gì đó.
e) với điều kiện anh cảm thấy có lỗi.
Tức là chúng ta không hề tặng nó. Chúng ta trao đổi”.
ĐÚC KẾT: Dâng tặng không điều kiện thoạt nghe có vẻ “lời khuyên không thực tế”, nhưng nó lại rất thực tế, và có thể giảm cho bạn nhiều phiền muộn.
GANH TỴ
Freud nói rằng những người tuyên bố họ không bao giờ ganh tỵ là lừa dối chính mình. Ai trong chúng ta cũng có lúc cảm thấy ghen tỵ, khi một người chúng ta rất quan tâm lại chú ý đến người khác, như đồng nghiệp được thăng chức…
Chúng ta có thể có xu hướng tin rằng chỉ có một chừng mực nào đó tình yêu thương và không có nhiều hơn. Vì thế nếu mẹ ta chú ý đến anh hay chị ta nhiều hơn thì ta cảm thấy mình ít giá trị hơn . Không nên sống như thế.
Nếu mẹ bạn ngưỡng mộ chị bạn thì không phải là bạn trở lên ít tuyệt vời hơn. Nếu vợ bạn nghĩ anh trai bạn lanh lẹ và thông minh thì không phải cô ta yêu bạn ít hơn. Có nhiều chỗ cho nhiều người đặc biệt trong trái tim bạn.
LÀM CHO NGƯỜI KHÁC HẠNH PHÚC
Sứ mệnh của bạn là sống thành thật với bản thân mình, chiêm nghiệm càng nhiều càng tốt và đối xử với người khác như bạn muốn họ đối xử với mình và trên hết là bạn tận hưởng cuộc đời của bạn. Việc của bạn là không bắt buộc những người xung quanh bạn phải hạnh phúc.
Hãy nghĩ lại về cuộc đời bạn. Bạn có thể nhớ lại những lúc mình rất chán, và bạn bè nói với bạn: “Hãy thoát ra khỏi nó! Cuộc đời rất tuyệt” Nhưng lúc đó bạn không sẵn sàng cho rằng đời tuyệt đẹp, phải không nào? Chỉ khi bạn nhận ra thì bạn mới thay đổi thái độ và bắt đầu nhìn sự việc khác đi.
Dù sao, chúng ta là ai mà có quyền bảo người khác phải hạnh phúc? Chúng ta là cái gì mà dám quyết định họ nên cư xử như thế nào?
Hãy xem xét sai lầm lớn nhất của bạn. Có thể đó là chuyện hôn nhân, ly dị, thất bại trong kinh doanh, công việc không có kết quả, tình bạn bị mất,… Bây giờ hãy ngừng đọc một phút và xem lại bạn đã học được những gì từ những lỗi lầm đó. Hãy ngừng đọc một lúc đã nào!
Được rồi, bạn học được cái gì? Bạn có học được nhiều không? Chúng ta học được nhiều từ kinh nghiệm của chúng ta – thành công thì ăn mừng, thất bại thì suy ngẫm. Vì thế bất cứ khi nào bạn ra tay để “cứu” ai đó khỏi một nguyên nhân ngu ngốc hay một chuyến đi, một vụ ly dị.. thì có thể bạn đã cướp đi của họ một kinh nghiệm to lớn. Bạn có biện hộ được cho việc này không?
Vì sự bình an của riêng tâm hồn bạn….
Bạn có thể phát điên khi cố gắng thay đổi người khác – trong khi đó họ lại ghét cay ghét đắng bạn vì điều đó. Giả sử bạn có một người hàng xóm là Dreary. Anh ta hay than phiền về chính phủ, về nền kinh tế, về mẹ anh ta, về thời tiết và giá cả hàng hóa… Anh ta bảo bạn rằng con người thật kinh khủng và thế giới sẽ diệt vong. Anh ta lo lắng về sức khỏe… mọi cái đối với anh ta đều có vấn đề và không có gì đáng phải nỗ lực cả.
Dreary rất khổ sở và đau đầu vì anh ta chọn như thế. Không ai gí súng vào đầu anh ta và nói “Dreary, anh phải chịu khổ sở”. Anh ta hành động theo chọn lựa của anh ta. Anh ta suy ngẫm chọn lựa của mình và cho rằng thật khó khăn và nỗ lực rất nhiều mới có thể hạnh phúc.
Anh ta quyết định đau khổ dễ hơn và cũng kéo người khác vào cuộc. Vì Dreary hành động theo sự chọn lựa của anh ta, vậy bạn cũng có thể làm thế – hãy chọn lựa thái độ để cho anh ta tự mình đau khổ. Bạn nói: “Dreary tôi phải tìm thêm bạn mới”.
Nếu những người xung quanh đau khổ và kéo bạn vào, rút hết năng lượng của bạn và họ từ chối thay đổi thì bạn hãy thay đổi, đừng giao du với họ nữa. Đừng ghét họ hay phán xét họ. Hãy yêu thương bản thân và người khác đủ mức mà chấp nhận để họ một mình và lo chuyện của bạn. Khi bạn bỏ đi thì đừng có làm lớn chuyện, đừng nói rằng bạn tốt hơn họ, chỉ đơn giản là bạn cần dành thời gian cho việc khác.
Vậy nếu người nào đó đến xin giúp đỡ?
Giúp đỡ người khác khi họ yêu cầu được giúp đỡ thì khác với việc phán xét họ nên sống thế nào, và cố gắng thay đổi họ. Giúp đỡ những người cam kết tiến bộ là một niềm vui lớn.
Nếu bạn tìm được cách sống, cuộc sống hạnh phúc lúc đó người khác nói: “Bạn lúc nào cũng hạnh phúc – Bạn làm cách nào vậy?” thì hãy chia sẻ kinh nghiệm của bạn, dành thời gian cho họ, cho họ mượn sách… Nhưng bước vào thế giới của người khác và bảo họ thay đổi là việc làm khó khăn và bạn sẽ bị ghét vì điều đó.
Một lần tôi tham dự một buổi hội thảo với William, một người bạn của tôi. Ở đó, tôi gặp Leo, một tay hay lo và luôn than thở. Anh ta không biết cách tận hưởng cuộc đời và không bao giờ chiều chuộng mình chút nào. Anh ta làm việc 80 tiếng một tuần và gia đình anh ta luôn căng thẳng. Anh ta cứ phải uống thật say mới có thể đi ngủ được mỗi đêm.
Chúng tôi gặp nhau một vài lần trong tuần và tôi để ý thấy Leo thỉnh thoảng hỏi tôi về cách sống. Buổi hội thảo kết thúc và tôi không còn liên lạc với Leo nữa.
Sáu tháng sau, Leo đến thành phố tôi sống và gọi điện cho tôi, nài nỉ tôi đi ăn tối với anh. Anh nói:
“Andrew, tôi phải đãi anh một bữa”.
“Sao vậy”.
“Anh sẽ rất ngạc nhiên nếu anh biết được điều gì đã xảy ra từ ngày tôi gặp anh. Tôi đã cắt bớt giờ làm, dành nhiều thời gian hơn cho gia đình, việc kinh doanh đang thuận lợi và tôi đã không cần phải uống thật say mới có thể đi ngủ được trong 6 tháng qua. Tôi đã mua xe mới…”
Tôi nói: “Thật tuyệt! Nhưng tại sao anh phải đãi tôi một bữa?”
“Bởi vì sau khi gặp anh và bạn anh, tôi đã thay đổi”.
“Thật sao? Bằng cách nào?”
“Một tuần tiếp xúc với hai anh, tôi thấy hai anh thư giãn và hạnh phúc hơn tôi. Các anh làm động lực cho tôi thay đổi, vì thế tôi phải cám ơn các anh”.
Thật vui khi nhận được điện thoại của Leo. Tôi rất vui khi biết được cuộc đời anh trở nên tốt hơn và cảm thấy mình đã đóng góp được chút gì đó. Cú điện thoại của anh cũng khẳng định niềm tin của tôi rằng nếu ai đó đã sẵn sàng thay đổi cuộc đời họ thì họ sẽ làm. Chúng ta có thể tránh được bực bội phiền toái bằng cách không giảng cho họ trước khi họ sẵn sàng để nghe. Người khác không cần bạn nhét các ý tưởng vào họng của họ.
ĐÚC KẾT: Con người chỉ thay đổi khi họ đã sẵn sàng để thay đổi. Bạn không cần phải rao giảng trước để phòng ngừa. Nếu bạn qua nóng lòng muốn giúp họ thì không nên giảng đạo. Chỉ nên làm một gương tốt. Người khác sẽ bị cuốn theo bạn và sẽ hỏi lời khuyên của bạn để thay đổi. Nếu không ai hỏi thì cứ thong thả làm việc của mình.
NÓI CHUYỆN VỚI NGƯỜI ĐANG KHỔ SỞ…
Một lần tôi được mời tham gia một chương trình truyền thanh để trả lời các câu hỏi của độc giả về quyển sách “Đời thay đổi khi chúng ta thay đổi!” Một phụ nữ gọi đến hỏi: “Ông Matthews, chắc ông phải xấu hổ lắm về ông nói về hạnh phúc khi những người khác trên thế giới đang đau khổ – tôi nghĩ như thế thật ích kỷ và vô tâm!”
Cô ta phản ứng khá gay gắt, nhưng đã nêu lên một điểm quan trọng, Làm sao chúng ta điều hòa được hạnh phúc của riêng chúng ta với nỗi đau khổ của người xung quanh? Bạn có vui được không khi đồng nghiệp của bạn muốn tự sát?
Nếu bạn thực sự quan tâm đến những người sầu muộn của mình thì bạn phải khổ sở và rầu rĩ với họ sao? KHÔNG! Hãy cứ vui vẻ và để cho họ được tự do chọn lựa thái độ sống. Yêu thương họ là để họ tự quyết định mọi việc.
Nếu xung quanh bạn toàn những người đau khổ thì khó tránh họ được nhưng bạn vẫn có thể cứ hạnh phúc! Nếu bạn chùng người xuống theo họ thì cả hai sẽ cùng đau khổ. Như thế chẳng tốt cho ai cả và bạn trở thành nạn nhân.
Khi người khác bất hạnh thì bạn phải có sự đồng cảm, nhưng đồng thời đừng để cho tinh thần mình xuống cấp. Thay vì vậy còn phải vui vẻ hơn. Nhiều người nghĩ chán nản hay đau khổ sẽ được người khác chú ý. Nếu bạn chọn tham gia vào sự chán nản của họ tức là bạn đã cho phép mình bị lôi kéo. Hãy từ chối tham gia trò chơi của họ, họ sẽ bỏ cuộc và cả bạn của họ cùng đi lên.
Khi người khác hạnh phúc hơn bạn.
Chúng ta cũng cần biết sống với những người hạnh phúc hơn mình. Nếu bạn đời của bạn đang rất vui, bạn có lúc nghĩ “Anh ta vui thế còn mình thì trơ trọi thế này”, hay tệ hơn “Anh ta vui sướng vì những cái chẳng liên quan gì đến mình. Sao anh ta lại có thể hạnh phúc khi không có mình chứ?” Nếu cứ khăng khăng là mình có đóng góp trong hạnh phúc của người thân mình thì chúng ta sẽ hay cảm thấy ganh tỵ và bất an.
CỐ GẮNG THAY ĐỔI NGƯỜI KHÁC.
Người tốt có thể tìm thấy, không thể thay đổi!
Jim Rohn
Trong các buổi hội thảo về kinh doanh, Jim Rohn luôn kể lại chuyện anh ta bắt đầu việc kinh doanh của mình như thế nào. Anh ta chọn những người không có động lực, không nhiệt tình và không đáng tin cậy để tuyển dụng và rồi cố làm cho họ trở thành có động lực, nhiệt tình và đáng tin cậy. Anh ta thấy việc này thật nan giải. Rohn nói: “Tôi đã quyết định thay đổi họ dù có phải chết – và tôi gần chết thật!” Rohn học được rất nhanh rằng khôn ngoan thì nên thuê những người có cùng suy nghĩ như anh.
Nếu bạn thuê lao động thì nên áp dụng qui tắc này để đỡ tốn vài năm bực bội. Bạn chỉ xây dựng được một đội ngũ những người nhiệt tình và nhiệt huyết từ những cá nhân như thế. Con người ta bản chất thế nào thì cứ hoài như thế. Thay đổi dường như không xảy ra với họ, không thu hút họ hay chuyện đó có vẻ nhọc sức quá. Ngoài việc họ cho là bạn xâm phạm họ khi bắt họ thay đổi, hiếm khi bạn ảnh hưởng được họ. Nếu bạn cần một thư ký ngăn nắp thì đừng chọn một cô nàng lôi thôi và cố thay đổi cô ta. Đừng chọn người không đáng tin cậy và mong sẽ làm cho anh ta có tinh thần trách nhiệm. Đừng thuê những người nói dối và tìm cách làm cho họ trở nên trung thực.
Tương tự như với chồng và vợ. Nếu bạn thích một người chồng tỉnh táo thì đừng cưới một tên say! Đây là lời khuyên cơ bản, nhưng thường thì nó xảy ra khi một người bắt đầu muốn “kiểm soát”
người kia. Ví dụ, vợ muốn kiểm soát chồng. Anh ta ghét cay ghét đắng điều đó. Anh ta ghét cô vì không
chịu chấp nhận anh đúng như bản chất của anh. Kết quả là không ai hạnh phúc.
ĐÚC KẾT: Khi chọn người cùng sống hay làm việc chung thì tìm người có cùng suy nghĩ như bạn. Hãy tự hỏi minh: “Nếu anh ta không thay đổi thì mình có hạnh phúc không khi sống (hay làm việc) cùng tính cách của anh ta không?” Nếu câu trả lời là “KHÔNG”, thì hãy tiếp tục tìm kiếm.
AI HOÀN THIỆN
“Bạn tôi không hoàn thiện – tôi cũng không nhưng chúng tôi rất hòa hợp với nhau”.
Alexander Pope
Chúng ta càng chấp nhận người khác đúng như bản chất của họ và càng không yêu cầu họ hoàn thiện (hay giống như chúng ta), thì chúng ta càng có quan hệ dễ chịu với họ. Tương tự, nếu chúng ta có thể hiểu được tại sao người nào đó lại cư xử thế nào đó thì chúng ta sẽ trở nên vị tha hơn.
Ví dụ: Tôi có một người bạn tên là Jenny. Cô ta luôn gặp rắc rối với tiền bạc. Không phải là cô ta thiếu tiền, cô ta có rất nhiều tiền. Nhưng cô luôn dính chặt vào nó. Nếu cô đi ăn chung với 5 người bạn thì khi lấy hóa đơn, chẳng hạn giá 151,35 đô la, cô sẽ bấm chiếc máy tính luôn mang theo bên mình và chia ra… “Được, vậy mỗi người 30,27 đô la nhưng tôi không mang theo tiền, vậy cho tôi nợ 30,27 đô la trừ đi 15 xu anh nợ tôi thứ 5 tuần trước…” Cô ta thật không chịu được!
Cô cũng là người rất trung thực và quan tâm, tôi thích nhìn vào điểm tốt của cô và hiểu rằng trong quá khứ chắc là mẹ cô, chồng cô hay những kinh nghiệm nào đó đã làm cho cô có thái độ như thế đối với tiền bạc. Tôi đoán là nên để cho cô tự nhiên khắc phục hơn là tham gia vào chuyện tài chính của cô. Cô có nhiều tính tốt khác và nếu tôi xa lánh cô chỉ vì chuyện tiền bạc thì sẽ mất đi một người bạn tốt.
Ralph là một ví dụ khác. Đi chơi với anh ta rất thích: anh ta hài hước, biết nhiều và nhiệt tình,thông minh,thành đạt và anh ta sẵn sàng khẳng định điều đó. Bạn biết đó, Ralph không phải là loại khiêm
tốn cho lắm và anh ta mê nói về mình. Nhưng tôi rất thích tiếp xúc với anh ta.Ở một góc độ nào đó, có thể nói “Ralph là một người biết tất cả mọi việc!” và anh ta rất kiêu ngạo. Nhưng anh ta lại có quá nhiều tài năng. Tôi học được rất nhiều thứ từ anh ta và cười với anh ta rất nhiều. Nếu Ralph giống như những người khác thì anh ta không còn là Ralph nữa!
Bạn không cần là một nhà tâm lý họ mới dung thứ cho mọi người hoặc hiểu được loại kinh nghiệm đã hình thành nên thái độ của họ. Tất cả những gì bạn cần là cam kết làm cho cuộc sống của bạn phong phú hơn.
Nếu bạn gạt sang một bên định kiến và thay vào đó được chọn lựa, chúng ta sẽ dễ dàng hiểu nhau hơn. Nếu một người ăn nhiều, nói nhiều hay có nhiều ý kiến khác nhau về chúng ta thì chúng ta đừng ghét họ nữa. Chúng ta sẽ dễ chấp nhận hơn bởi vì chúng ta tin là chúng ta đã khám phá ra cách duy nhát để thích họ. Đối với những người rất khác với chúng ta thì chúng ta càng nên thích họ chớ không nên ghét họ.
Không ai hoàn hảo cả
Cách đây nhiều năm, tôi có một thư ký tên là Tereska. Cô rất thông minh, tốt bụng, thân thiện và chăm chỉ nhưng lại luôn đi làm trễ 10 phút. Tôi thường nói với cô: “Tereska, đi làm đúng giờ là rất quan trọng. Cô có vui lòng đến lúc 9h sáng không?” Cô trả lời: “Vâng”, và hôm sau cô đến lúc 9h10!
Tôi bắt đầu lo lắng về chuyện này. Tôi nói với chính mình: “Tại sao cô ta lại làm thế đối với tôi?” Tôi cằn nhằn mãi về việc đi trễ đến nỗi mât luốn ý nghĩ rằng cô là một thư ký giỏi, và tôi chỉ tập trung vào một điểm mà không thích.
Cuối cùng vào một ngày nọ, tôi nhìn lại cách cư xử của tôi và nhận ra rằng tôi đến văn phòng lúc 9h sáng cũng chỉ vì muốnthấy cô đi trễ và được tỏ ra khó chịu với cô. Khi cô ta đến, tôi lắc đầu và nghĩ thầm: “Tôi không thể tin được”. Và tôi nhận thấy một điều nữa ở tôi – tôi đã âm thầm thích thú cái cảm giác khó chịu đó. Nếu vào 9h mà tôi nghe tiếng gõ cửa thì tôi hy vọng đó không phải là Tereska để tôi được quyền giận cô. Thật là nhỏ nhen và tôi thật xấu hổ khi nhớ lại nhưng tôi biết không phải chỉ có tôi từng bị như vậy.
Tôi từng có một trợ lý giỏi, trung thành mà tôi lại chỉ nhắm vào một điểm yếu kém của cô ấy. Chúng ta thường để ý đến cái xấu mà không nhìn thấy cái tốt của người khác. Chúng ta thường phàn nàn, mà nếu trung thực thì chúng ta thích thú được làm như vậy.
Chúng tôi ngồi xem truyền hình và biết rằng chú Fred sẽ vào vặn lớn lên, chúng tôi chỉ đợi có thế và sẵn sàng cảm thấy khó chịu. Fred đến, mở to lên và chúng tôi tự nhủ: “Chúng tôi ghét chú làm như vậy”, nhưng bên trong thì chúng tôi thầm hy vọng ông sẽ làm thế.
Tôi có một suy nghĩ là nếu chúng ta để cho điều gì làm chúng ta lo lắng thì người ta sẽ làm mãi điều đó với ta. Nếu chồng bạn ăn uống ngồm ngoàm và bạn ghét điều đó thì bạn lại chờ được thấy anh ta làm như vậy và anh ta sẽ không để bạn phải chờ lâu.
Khi chúng ta bị người khác làm cho khó chịu, chúng ta có thể hỏi mình là:
“Tại sao tôi không tập trung vào những điểm tốt của họ?”
“Tôi được cái gì khi khó chịu như vậy?”.
Chúng ta khó chịu vì chúng ta muốn vậy. Hình như cảm giác nào cũng có cái thú của nó. Cái thú của cảm giác khó chịu là a) chúng ta được “tử vì đạo” (Tôi đúng còn anh không) và b) chúng ta được đổ lỗi cho ai đó (tôi không hạnh phúc và đó là lỗi của anh).
Thay vì phải bị khó chịu thì bạn nên chọn linh hoạt. Hãy giểu rằng mọi người đều khác nhau. Mọi người có tính khí khác nhau, ưu tiên khác nhau. Một số người dễ nổi cáu còn số khác không bao giờ bị kích động, một số bày tỏ cảm xúc còn số khác không bao giờ cởi mở, một số luôn đến trễ, số khác thì chỉ biết tới tiền. Hãy cho họ không gian để được sống đúng bản chất của họ, tức là cho phép họ trải nghiệm cuộc sống theo cách của họ. Hãy linh hoạt một chút.
Giận dữ thì không sao, nhưng nên tận hưởng cuộc đời. Nếu bạn muốn thì bạn có thể quyết định không bực bội nữa. Bạn không thực hành tính vị tha để trở nên thánh thiện hơn mà để hạnh phúc hơn!

ĐÚC KẾT: Nói đến cuộc sống là nói đến con người. Nếu chúng ta áp đặt quá nhiều điều kiện lên cách cư xử của nhau thì chúng ta đã cách ly mình khỏi cuộc sống. Có lẽ bạn quen biết nhiều người không đến đúng giờ, không đáng tin cậy bằng bạn hay uống nhiều rượu hơn bạn, những người nói nhiều hơn, ít khiêm tốn hơn hay ngu ngốc hơn,.. nhưng hãy linh hoạt. Hãy thích thú những điểm khác nhau ở những người xung quanh bạn. Hãy thích họ vì sự khác biệt của họ và bạn sẽ làm ơn được nhiều nhất cho họ.

Share this

Có thể bạn quan tâm

Latest
Bài trước
Next Post »